CHÂN TÂM PHẬT TỬ
*** Hân hoan chào đón các bạn đến với CHÂN TÂM PHẬT TỬ!...***



Join the forum, it's quick and easy

CHÂN TÂM PHẬT TỬ
*** Hân hoan chào đón các bạn đến với CHÂN TÂM PHẬT TỬ!...***

CHÂN TÂM PHẬT TỬ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

3 posters

Trang 2 trong tổng số 2 trang Previous  1, 2

Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Mon Sep 30, 2013 1:39 pm

20. QUỶ CỐC THỬ TÀI HỌC TRÒ

Quỷ Cốc Tôn sư có hai học trò xuất sắc là Tôn Tẩn và Bàng Quyên. Một hôm Quỷ Cốc muốn thử tài học trò bèn kêu họ lại, bảo:
- Ta ngồi trong động, trò nào có thể mời ta ra ngoài được?

Bàng Quyên vội vàng giành mời trước, nói:

- Bạch Tôn sư, ngoài cửa động có rồng chầu phượng múa rất đẹp!

Quỷ Cốc nói:

- Hôm nay hung nhật, làm gì có việc đó?

Bàng Quyên lại nói:

- Có Bạch Hạc Đồng Tử mời thầy đi đánh cờ.

Quỷ Cốc lắc đầu, nói:

- Hôm qua ta đã chơi cờ với họ rồi.

Bàng Quyên trâng tráo:

- Nếu thầy không ra thì con nổi lửa đốt động!

Quỷ Cốc mỉm cười.

Đến lượt Tôn Tẫn mời. Tôn Tẫn thành kính thưa:

- Đệ tử không thể mời thầy từ trong ra ngoài được. Nhưng nếu thầy ở ngoài động đệ tử có cách mời thầy vào trong được.

Quỷ Cốc lấy làm lạ bèn truyền đem ghế ra ngoài ngồi, cốt xem Tôn Tẫn sẽ mời bằng cách nào.

Khi Tôn Sư an tọa, Tôn Tử vội quỳ xuống:

- Vậy đệ tử mời thầy ra ngoài được rồi!

Quỷ Cốc phục cái trí của Tôn Tẫn.



LỜI BÀN:

Hai lần Bàng Quyên mời Quỷ Cốc là hai lần lừa gạt một cách lộ liễu thấp kém.

Giả sử có rồng chầu phượng múa, hoặc có Bạch Hạc Đồng Tử ở ngoài động, Quỷ Cốc vẫn không ra thì sao?

Đến lần thứ ba, Bàng Quyên không cần mời nữa, bèn dùng cái kế "đốt động", Quyên bộc lộ hết cái ác tâm của mình.

Quả thật, ngày sau do ghét Tôn Tẫn, Quyên đã đục lấy bánh xương chè của Tôn Tẫn.

Quyên đã lừa thầy hại bạn. Tôn Tẫn không nghĩ đến chuyện xa vời, chỉ lấy sự thật làm kế (vì không kế nào hay bằng sự thật, không có bí mật nào kín bằng công khai).

Bậc Tôn sư như Quỷ Cốc cũng phải mắc mẹo này. Tôn Tẫn ngày sau làm quân sư cho Tề hai lần đánh bại quân Ngụy do Bàng Quyên chỉ huy.

Cuối cùng Bàng Quyên tự sát ở Mã Lăng. Qua cuộc thử trí trên đây, ta có thể đoán được tâm hồn của mỗi người.

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 64sh
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Thu Oct 03, 2013 10:13 am

21. TỂ TƯỚNG ÁN ANH, QUÝ TRỌNG VỢ

Án Anh có nhiều công trạng đối với nước Tề, Tề Cảnh công tặng áo hồ cừu, phong thực ấp... Án Anh nhất mực từ chối. Cảnh Công thấy một người đàn bà liền hỏi:

- Có phải là nội tử của quan Tể Tướng đó không?

Án Anh đáp:

- Bẩm phải!

Cảnh Công cười bảo:

- Bà nhà đã già mà còn xấu nữa. Ta có một ái nữ có thể cho Tể Tướng được.

Án Anh chấp tay nói:

- Lúc trẻ người ta lấy mình là mong rằng lúc già có thể nhờ cậy được. Vợ tôi tuy già xấu nhưng tôi vẫn quý trọng, không dám phụ.

Tề Cảnh Công rất kính phục Án Anh.



LỜI BÀN:


Nhân gian chuyện một chồng một vợ từ thuở cưới nhau đến răng long bạc tóc là chuyện bình thường. Nhưng trong đám quan lại ngày xưa mà bàn việc một chồng một vợ thì hiếm lắm. Hồi xưa có câu: "Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng". "Thê" là vợ chính, "Thiếp" là vợ lẽ. Nhà vua gả ái nữ cho Án Anh, đặt địa vị một người nào đó, họ cho việc ấy là vinh dự, là cao quý, nhưng Án Anh chối từ. Không có cao quý nào bằng tấm lòng đối đãi thủy chung với nhau. "Giàu đổi bạn, sang đổi vợ", thói đó đã thành "văn bản". Với thời cách đây hơn 2500 năm, Án Anh quả là một nhân vật cấp tiến. "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng gian, uy vũ bất năng khuất". Án Anh là một trang quân tử, đáng làm gương cho mọi người.

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Of5s
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Wed Oct 09, 2013 10:54 pm


22. HỌ CHẾT VÌ... QUẢ ĐÀO

Một hôm Lỗ Chiêu Công cùng quan đại phu Thúc Tôn Nhược qua thăm Tề Cảnh Công bày tiệc chiêu đãi. Bọn Tam Kiệt (ba dũng sĩ nổi tiếng đó là Công Tôn Tiệp, Cổ Giả Tử, Điền Khai Cư) chống kiếm đứng hầu dưới thềm, có ý kiêu ngạo. Nguyên ba người này vốn có sức mạnh lại có công lớn, thường hay ỷ mình nên kiêu ngạo với bá quan. Ba tên đó liên kết với nhau, lại còn liên kết một số cường thần trong triều có ý bất hảo. Từ lâu Án Anh muốn trừ chúng mà chưa có dịp.

Nhân dịp này Án Anh tâu:

- Nay vườn kim đào đã có quả chín, xin chúa công cho trẩy để chúc thọ hai vua. Nhà vua sai người đi hái, Án Anh theo giám sát. Một lúc Án Anh đem đào vào, nói:

- Giống đào quý này có tên là "Vạn thọ Kim Đào", còn gọi là Bàn Đào. Nguồn gốc nó ở Độ Sách Sơn ngoài biển, trồng đã ba mươi năm, từng ra hoa mà chưa từng kết trái. May sao năm nay được lứa đầu tiên. Toàn cây đào có chín quả, chỉ có sáu quả chín, tôi hái vào đây.

Án Anh dâng rượu và mời Lỗ Chiêu Công một quả đào. Tiếp đó Án Anh dâng rượu và mời Tề Cảnh Công một quả. Cảnh Công lại ban cho Thúc Tôn Nhược và Án Anh mỗi người một quả. Ai nấy ăn vào thấy mùi vị ngon ngọt sảng khoái.

Án Anh quay xuống các quan, nói:

- Theo lệnh chúa công truyền cho các quan, quan nào thấy mình có nhiều công trạng được phép tâu lên để lãnh đào.

Dũng sĩ Công Tôn Tiệp đứng ra nói:

- Ngày xưa chúa công đi săn bị con cọp gấm chụp, tôi ra sức giết nó, cứu được chúa công, công ấy như thế nào?

Án Anh nói:

- Cái công bảo giá ấy cao ngất trời, còn gì hơn, đáng được ăn đào lắm.

Nói rồi cho Công Tôn Tiệp một quả.

Cổ Giả Tử đứng ra nói:

- Ngày xưa chúa công qua sông Hoàng Hà bị con giải yêu quái làm nổi sóng, sắp đắm thuyền hại chúa công, tôi nhảy xuống nước giết giải. Công ấy thế nào?

Tề Cảnh Công nói:

- Đó mới là cái công to lớn nhất đời. Đáng được uống rượu và ăn đào.

Án Anh cho Cổ Giả Tử uống rượu và ăn đào. Đào đã hết.

Điền Khai Cương giờ bước ra nói:

- Tôi phụng mệnh chúa công đi đánh nước Từ, bắt được tướng sĩ nước Từ. Các vua Từ, Đàm, Cử cả sợ mới tôn chúa công tôi làm minh chủ. Cái công ấy có xứng đáng để được ăn đào không?

Án Anh nói:

- Công của tráng sĩ lớn gấp mười so với hai người trước, nhưng giờ đào đã hết, tạm uống chén rượu, chờ năm khác vậy.

Điền Khai nói:

- Giết hổ, chém giải chỉ là cái công vặt, còn ta xông pha dưới tên đạn, biết bao khó nhọc, thế mà không được ăn đào, chịu nhục trước mặt hai vua, để tiếng cười về sau, còn mặt mũi nào sống nữa.

Nói rồi rút gươm tự vẫn.

Công Tôn Tiệp giật mình nói lớn:

- Công ta nhỏ mọn mà được ăn đào, không nhường cho bạn sao gọi là liêm, không chết theo bạn sao gọi là dũng?

Công Tôn Tiệp cũng đâm cổ chết theo.

Cổ Giả Tử la lên:

- Ba ta đã kết nghĩa với nhau. Nay hai bạn đã chết rồi, ta sống làm gì?

Nói rồi cũng tự sát.



LỜI BÀN:

Các dũng sĩ ấy thường cho mình là đại dũng sĩ nên nặng chất háo danh, khinh sinh. Công trạng của ba người, chỉ có Điền Khai Cương là vì dân vì nước nhiều hơn, có tính chất là "vị tướng quân của triều đình" hơn hẳn hai người kia. Cương nói sau nên không được ăn đào, vì tự ái mà đâm ra hổ thẹn, dẫn đến tự sát. Hai dũng sĩ còn lại cảm thấy hổ thẹn thật sự, nên cũng tự sát theo. Đây là Án Anh nghiên cứu cách trừ họ. Thực ra nếu Án Anh không muốn giết họ, thì cứ bổ đôi quả đào cho mỗi người một nửa và uống chung rượu. Giải thích cặn kẽ, thì không đến đỗi cái chết đã xảy ra. Bọn Tam Kiệt ngày thường hay tự hào thành tích và sức lực mình, liên kết với đám Lương Khâu Cứ, Trần Vô Vũ là những kẻ quỷ quyệt, chuyên ném đá giấu tay. Tam Kiệt khinh miệt bá quan. Bọn họ có thói vũ phu nhưng không thâm độc như hai ông quan trên đây. Tuy vậy nếu để chúng sống dai cũng bất lợi cho triều đình. Mẹo của Án Anh giết họ rất kín đáo và nhẹ nhàng, không ai bắt bẻ được.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Tue Oct 15, 2013 3:27 pm


23. THẾ NÀO LÀ CÔNG PHÁP BẤT VỊ THÂN

Nước Tấn, nước Yên nghe tin Tam Kiệt của Tề đã chết, liền đem quân đánh sâu vào đất Tề, quân Tề nhiều phen thảm bại. Trước đây Án Anh nhiều lần tiến cử lên vua bậc hiền tài Điền Nhương Thư, nhưng Cảnh Công vẫn không đoái hoài đến. Giờ đất nước có nguy biến, Cảnh Công mới biết sợ, sai Án Anh mang lễ vật đến Đông Hải rước Điền Nhương Thư về triều. Điền Nhương Thư giảng giải binh pháp cho Tề Cảnh Công nghe, Cảnh Công rất phục ông, bèn phong làm Đại Tư Mã thống lãnh quân đội, đem quân dẹp giặc. Điền Nhương Thư nói:

- Thần xuất thân từ chốn dân dã, nay chúa công giao binh quyền, chức tước đứng trên bá quan, e rằng lòng người không phục. Xin chúa công chọn cho một người mà trong nước ai cũng kính trọng để làm giám quân, có vậy hiệu lệnh của thần mới thi hành được.

Tề Cảnh Công chọn quan đại phu Trang Giả làm giám quân.

Điền Nhương Thư bảo Trang Giả:

- Giờ ngọ ngày mai lúc mặt trời đứng bóng, cắm cây gỗ để xem giờ. Quá ngọ mà Trang Giả vẫn chưa đến. Nhương Thư chặt gãy cột, bước lên đài ban hiệu lệnh. Mãi đến chiều Trang Giả ngất ngưởng đến. Nhương Thư hỏi:

- Cớ gì quan giám quân bây giờ mới đến?

Trang Giả cậy mình được vua yêu, nên vẻ mặt kiêu ngạo, đáp:

- Họ hàng thân hữu bày tiệc tiễn hành nên đến chậm.

Điền Nhương Thư nói:

- Đạo làm tướng khi đã thụ mệnh vua thì phải quên nhà, khi xông trận thì phải quên mình. Nay nước nhà có giặc xâm lấn, chúa công lo lắng đem việc quân ủy thác cho hai ta, thế mà ông vì chén rượu mà quên phận sự.

Trang Giả vẫn tự đắc nói:

- Giờ còn kịp chán, nguyên soái bất tất phải lắm lời!

Điền Nhương Thư hỏi chức Quân chính:

- Làm tướng đến trễ, phạm vào điểm nào?

Quân chính nói:

- Quân phạm! Chém!

Điền Nhương Thư thét võ sĩ trói Trang Giả lại đem ra quân môn xử tử. Ba quân khiếp vía. Kẻ thân tín của Trang Giả vội chạy về phi báo với Cảnh Công. Tề Cảnh Công cả sợ sai Lương Khâu Cứ cầm cờ tiết đến xin Điền Nhương Thứ tha tội cho Trang Giả. Cứ giục xe vào quân môn thì Trang Giả bị chém rồi.

Điền Nhương Thư lại hỏi Quân Chính:

- Tội giục xe vào quân môn như thế nào?

- Cũng phải chém!

Điền Nhương Thư nói:

- Lý ra phải chém. Nhưng Lương Đại Phu có cờ tiết của chúa công, nên miễn cho tội chết. Nói rồi truyền chém đầu ngựa và đập bể xe. Các tướng ai nấy xanh mặt. Nhương Thư ra quân, Tấn, Yên không kịp giao tranh bỏ chạy về nước, Nhương Thư truyền quân đuổi theo chém hơn vạn đầu giặc. Nước Tấn, nước Yên sai sứ sang giảng hòa.



LỜI BÀN:

Điền Nhương Thư là hình ảnh mẫu mực của vị tướng lãnh. Và loại người như Trang Giả cũng là hình ảnh của người cửa quyền cậy thân ỷ thế. Đất nước đang bị chiến loạn, đám con ông cháu cha đã không chút bận tâm lo lắng lại còn cản trở công việc của những người có tấm lòng vì nước vì dân. Từ khi loài người biết thiết lập một nền hành chánh thì họ cũng đã có những khẩu hiệu như: "Chí công vô tư", "Công minh liêm chính", "Vị quốc vong thân"... Đại quân đã định giờ lên đường trừ giặc, ấy vậy mà phải đình lại để chờ một người đang bận "nhậu" là nghĩa gì?

Một quân đội hùng cường là quân đội có luật pháp nghiêm minh, ba quân tin và nể trọng tướng lĩnh. Hồi Tôn Vũ luyện quân ở Ngô, dẫu là đội nữ binh điển hình hợp hoàn toàn những cung nữ, hai viên đội trưởng nghĩ mình là cung nga được vua yêu, coi thường quân luật, vẫn bị Tôn Vũ giết như thường. Viên giám quân Ân Cái của Lưu Bang trong buổi Hàn Tín duyệt binh cho mỉnh là kẻ thân tín không chịu chấp hành quân luật, cũng bị Hàn Tín chém đầu. Bao giờ đất nước hết nạn cửa quyền, bè phái, dựa dẫm thì lúc đó luật pháp mới được thượng tôn, đất nước mới thực sự hùng cường và tiến bộ. Tư Mã Nhương Thư là vị tướng lãnh tiêu biểu vậy.


Nhương Thư viết để lại cho đời bộ"Tư Mã Binh Pháp" là một trong bảy bộ binh thư có giá trị của Trung Hoa.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Fri Oct 18, 2013 6:24 pm

24. VÔ CỚ HẠI NGƯỜI LÀ CÁI CỚ TỰ HẠI MÌNH

Tên Phí Vô Cực của nước Sở trước đây đã từng hại quan Lệnh Doãn Đấu Thành Nhiên, gia đình Thái Tử Kiến, gia đình Ngũ Xa (cha của Ngũ Tử Tư). Giờ hắn muốn hại đến gia đình Bá Khước Uyển. Bá Khước Uyển nổi tiếng là người hiền của nước Sở.

Phí Vô Cực đâm ra cay ghét. Hắn lập mưu cùng Yên Tương Sư vu khống cho Bá Khước Uyển lập mưu giết quan Lệnh Doãn Nang Ngõa. Nang Ngõa là người không có trí, nghe vậy cho người tới nhà họ Bá tra xét, quả thấy có đồ giáp binh của Bá Khước Uyển đang bày biện bên trong, còn bên ngoài đang bày tiệc linh đình mời Nang Ngõa đến dự theo lời dặn của Phí Vô Cực.

Người khám về báo lại. Nang Ngõa nổi giận tức tốc kéo binh đến vây nhà Bá Khước Uyển. Khước Uyển biết mình lầm kế độc của Phí Vô Cực, nên tự sát.

Nang Ngõa lệnh cho dân chúng phóng lửa đốt nhà Bá Khước Uyển. Dân chúng không ai chịu phóng lửa. Lão hăm giết.

Người ta đành bóp bụng ném lửa vào đốt nhà. Người nhà Bá Khước Uyển chạy ra, lão giết sạch. Phí Vô Cực lấy làm hả hê.

Một đêm lão nghe có tiếng hát đây đó:

"Tội cho Bá Khước, trung mà bị hàm oan,

Thân đã uổng mà xương cũng tan.

Lệnh Doãn Nang Ngõa trơ như gỗ,

Trời có linh báo ứng liền liền... "

Nang Ngõa sinh nghi mới dẫn lính đi dò xét thì thấy nhà nào cũng có hương khói thờ cúng Bá Khước Uyển. Nang Ngõa phân vân mới hỏi các quan có uy tín như Công tử Thân Thẩm Doãn Thú... Họ đều nói: "Bá Khước Uyển chết oan. Người trong nước ai cũng oán Phí Vô Cực và Yên Tương Sư". Nang Ngõa sợ hãi nói:

- Thật là lỗi lớn của tôi. Xin Thẩm Tư Mã giúp tôi một tay trừ hai thằng giặc đó.

Thẩm Doãn Thú nhận lời. Doãn Thú sai người tuyên cáo với dân chúng rằng: Bá Khước Uyển bị thác oan do Phí Vô Cực và Yên Tương Sư. Dân chúng hưởng ứng rầm rộ, cầm vũ khí vây nhà Phí Vô Cực và Yên Tương Sư, bắt hai tên đó ra chém bêu đầu. Dân chúng tự động phóng hỏa đốt nhà Phí Vô Cực và Yên Tương Sư, giết hết tộc đảng của chúng. Ai nấy đều hả lòng.



LỜI BÀN:

Một người, lắm khi có sở thích lâu dài biến thành một thứ bệnh tật. Có vô số bệnh tật lạ lùng.


Tên xiểm thần Phí Vô Cực có lẽ mang chứng bệnh "hại người hiền". Trong vòng hai mươi năm ở Sở, hắn hại không biết bao nhiêu là người hiền, dù các nhân vật đó đang cách xa hắn cả ngàn dặm (như cha con Ngũ Xa), họ không hề gây ân oán gì với hắn. Nếu hắn không mắc chứng quái bệnh đó thì không có lý do gì giải thích. Đành rằng, có những nhân vật gọi là "nịnh thần", hắn muốn hại ai khi nhắm rằng người ấy làm hại đến quyền lợi, uy tín hoặc sinh mạng hắn. Tên Phí Vô Cực trước đây từng hại Đấu Thành Thiên, Ngũ Xa, rồi đến hai con Ngũ Xa, Thái tử Kiến... Lâu dần đâm ra nghiện "hại người". Bá Khước Uyển hay Dương Lập Trung không hề động chạm gì đến hắn, hắn cũng giết hại được, người ta thấy hắn như thấy thần chết, hay một con rắn độc, nên họ hợp sức trừ mối hại đó đi! Đến cuối đời Chiến Quốc, nước Sở còn có những tên như Ngận Thượng, công tử Lan, Hùng Phụ Sồ cũng cùng một chứng bệnh như vậy. Những tên đó không bao giờ có được một cái chết như người bình thường. Bọn chúng đầy nhan nhản ở mọi triều đại. Nói chung những người có tâm địa độc ác, có máu hại người, thường họ tự tạo cho mình cái nguyên nhân dẫn đến sự chết thảm. Ngày nay loài người tiến bộ, pháp luật nghiêm minh, những việc phi nhân ấy thấy đã giảm đi nhiều lắm.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Tue Oct 29, 2013 5:00 pm

25. MỘT BÀ HOÀNG GIỮ TIẾT VÀ MỘT BÀ HOÀNG THẤT TIẾT

Ngô Vương Hạp Lư xâm chiếm được nước Sở. Sở Chiêu Vương (con út Sở Bình Vương) cùng bá quan bỏ chạy không kịp mang theo Thái hậu và Hoàng hậu (Thái hậu là mẹ Chiêu Vương, tức vợ của Bình Vương; Hoàng hậu là vợ Chiêu Vương).

Bộ hạ của Hạp Lư lùng bắt được Sở Chiêu Hậu. Vua Hạp Lư bắt bà phải "hầu". Đêm ấy vua Hạp Lư ngủ trong cung với Sở Chiêu Hậu. Hôm sau có người nói với Hạp Lư:

- Nàng Bá Doanh đáng lý là vợ của Thế tử Kiến, không ngờ Sở Bình Vương vô đạo thấy nàng nhan sắc nguyệt thẹn hoa nhường liền đoạt lấy.

Bá Doanh tức là Thái Hậu của nước Sở. Nhan sắc bà hiện giờ vẫn mặn mà. Vua Hạp Lư thích quá, sai người đi gọi bà đến hầu.

Bà Bá Doanh không chịu ra khỏi cửa. Vua Hạp Lư sai người đến bắt. Bà Bá Doanh vẫn đóng kín cửa, cầm kiếm gõ vào cửa mà nói:

- Ta nghe, ông vua là tiêu biểu cho một nước. Nay nhà vua bày việc vô đạo. Kẻ vị vong này thà đâm cổ mà chết, quyết không chịu theo tên hôn quân đó!

Vua Hạp Lư hổ thẹn xin lỗi và cấm ngặt mọi chuyện đồi bại ở Hoàng cung.



LỜI BÀN:


Ngô Hạp Lư đại thắng quân Sở, vua Sở bôn đào. Dân Sở nhốn nháo. Nước Sở hiện giờ nằm trong cảnh đầu rơi máu đổ.

Quyền sinh sát hiện giờ nằm trong tay vua quan nước Ngô. Đêm trước vua Hạp Lư bắt Sở Chiêu Hậu "hầu" mình (hầu, ngôn ngữ lịch sự, thật ra vua Hạp Lư "lấy" Chiêu hậu). Có lẽ Chiêu Hậu không dám phản đối. "Không dám phản đối" đồng nghĩa với "không phản đối", tức là bằng lòng. Sở Chiêu Hậu đã thất tiết!

Đêm hôm sau Hạp Lư lại sai nội thị đưa Sở Bình Hậu đến. Bà không đến, lại còn chửi Hạp Lư là hôn quân.

Bà sẵn sàng chết để giữ phẩm tiết. Trước sự kiên cường đó vua Hạp Lư hồi tâm. Trước đây bà Bá Doanh bị cha chồng cưỡng đoạt, chắc chắn bà Bá Doanh biết được và đau lòng lắm.

Nếu ai có chút từ tâm, hay có máu nghĩa hiệp, không nên làm cho bà đau lòng một lần nữa.

Lời bình của tác giả Ngô Nguyên Phi trong bộ "Khảo luận về thời Đại Xuân Thu Chiến Quốc". "Ông vua được nước đối diện với hai bà Hoàng hậu mất nước, một bà thì ưng thuận, một bà thì phản đối, thì phải hiểu rằng kẻ ưng thuận kia là tiêu biểu cho sự mất nước, người phản đối đó là linh hồn của đất nước.

Quốc gia có tồn tại hay không là ở những người có phẩm tiết này. Kẻ chiến thắng biết giữ sĩ diện cho kẻ chiến bại là một chiến thắng toàn diện".

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Z3ld
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Mon Nov 04, 2013 6:36 pm

26. KHỔNG TỬ VÀ CUỘC HÒA HỘI LỖ TỀ

Tề Cảnh Công gởi thư mời Định Công nước Lỗ hội họp ở Giáp Cốc để bàn việc giảng hòa. Lỗ Định Công chọn Khổng Tử làm tướng để đi hội họp.

Khổng Tử nói:
- Đã có văn thì phải có võ, không thể thiếu một được. Xin chúa công sai quan Tư Mã đem quân đi theo. Lê Di là đại phu nước Tề mưu kế xảo quyệt (thay chức cho Lư Khâu Cứ) bàn với Tề Cảnh Công:

- Mai khai hội chúa công nên cho tấu nhạc Đông Di. Lại cho 300 quân Đông Di giả làm nhạc công, nhân đó mà bắt vua quan nước Lỗ. Còn thần đem quân đánh đuổi quân Lỗ đóng bên ngoài lễ đài. Tề Cảnh Công nghe theo. Việc này vua Tề không cho Án Anh

biết. Ngày hòa hội, hai vua Tề, Lỗ gặp nhau trên đài. Tướng lễ của hai nước Án Anh và Khổng Tử cũng gặp nhau. Hai bên chào hỏi nhau theo nghi lễ. Tề Cảnh Công truyền đội nhạc Đông Di lên đài. Cả 300 tên cầm vũ mao kiếm kích lên đài miệng hét lý lô. Lỗ Định Công cả sợ. Liền đó, Khổng Tử tiến tới trước mặt Cảnh Công nói:

- Hai nước hội nhau để tỏ lòng giao hảo, nên dùng lễ nhạc Trung Hoa mới phải, sao nhà vua lại dùng thứ nhạc mọi rợ?

Án Anh không biết đó là kế của Lê Di, nên cũng nói:

- Lời Khổng Khâu nói đúng, xin chúa công bỏ nhạc ấy đi!

Tề Cảnh Công cả thẹn truyền đội nhạc rợ lui xuống. Lê Di ở dưới cả giận, kêu đội nhạc nước Tề dặn lại:

- Hễ khi hai vua và các quan dùng tiệc, các ngươi đồng thanh hát bài "Tệ Cẩu" và cho hòa nhạc.

Lê Di truyền đội nhạc lên đài, phường nhạc nhảy múa và hát những điệu dâm loạn. Khổng Tử nhìn Tề Cảnh Công nói:

- Những đứa thất phu dám cợt nhả vua chư hầu. Xin nhà vua sai Tư Mã nước Tề đem phép nước ra trị chúng. Tề Cảnh Công làm thinh, cho qua. Bọn con hát càng làm già tới. Khổng Tử nhìn xuống đài vẫy quan Tư Mã nước Lỗ bắt hai đứa nhạc trưởng đem xuống chém đầu. Đám nhạc sợ hãi bỏ chạy.

Khổng Tử nói:

- Hai nước đã giao hảo với nhau như anh em, thì Tư Mã của nước Lỗ cũng như Tư Mã của nước Tề.Nói rồi vua quan nước Lỗ ra về. Án Anh nói với Tề Cảnh

Công:

- Cuộc hòa hội này nước Tề đã thất lễ với Lỗ. Vậy thì hãy dùng thành tâm mà tạ lỗi, bằng cách đem ruộng Vấn Dương trả lại cho Lỗ. Tề Cảnh Công nghe theo.



LỜI BÀN:

Đoạn này có mấy phần chính:

- Khổng Tử nói: "Đã có văn thì phải có võ". Ý ông muốn nói, văn và võ phải song hành. Người đời xưa nói: "Tất tiên năng chiến, hậu năng hòa". Ý nghĩa thực tiễn của nó là trước nhất mình phải đủ khả năng chiến đấu, lúc đó bàn đến chuyện hòa, đối phương mới nghe. Nếu lực lượng đôi bên không cân sức, thì hiệp ước hòa bình sẽ là hiệp ước bất bình đẳng. - Nhạc trong vấn đề ngoại giao là nhạc trong nghi lễ. Điều ấy người Trung Hoa đã có trước đó hai ngàn năm. Và hôm nay mọi quốc gia trên thế giới cũng đều như vậy. Phần nhạc trong nghi lễ được xem là công pháp quốc tế. Tên Lê Di hiểm độc nhưng lại ngu dốt, vậy mà Tề Cảnh Công lại đi nghe theo lời hắn, chỉ làm trò cười cho vua quan nước Lỗ và người dân hai nước mà thôi.

- "Tệ Cẩu" là một bài dân ca rất phổ biến trong nước Tề và nước Lỗ cũng nhiều người biết. Nguyên nhân của nó là, nàng Tề Văn Khương (công nữ nước Tề) trước đây là loạn dâm với anh ruột là Chư Nhi, sau gả nàng cho công tử nước Lỗ nàng vẫn còn thông dâm với anh ruột, xúi anh ruột giết chồng mình, rồi cả hai cùng truy hoan ở nơi biên giới hai nước. Dân Tề thấy giận và thẹn bèn đặt ra bài "Tệ Cẩu" (Tệ như chó), thế mà Lê Di không biết nhục, Tề Cảnh Công không biết hổ thẹn còn bêu cái xấu của mình ra. Ngu dốt mà lên làm vua, ít nhất phải được vài ông quan giỏi và chân chính mới che đỡ nổi.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Thu Nov 07, 2013 1:40 pm


27. CÁCH HỐI LỘ VÀ NHẬN HỐI LỘ CỦA NGƯỜI XƯA

Vua Ngô Phù Sai đem binh đi đánh nước Việt để báo thù cho vua Hạp Lư. Nước Việt bị đánh phá tơi bời. Việt Vương Câu Tiễn đánh không lại phẫn uất muốn tự sát. Đại phu Văn Chủng đề nghị với Câu Tiễn nên hòa. Câu Tiễn không còn cách nào khác đành nghe lời cầu may. Văn Chủng đi sứ sang trại Ngô, đến nơi đi bằng hai đầu gối vào, trình bày mọi điều mọi lẽ. Ngô Phù Sai động lòng muốn cho hòa, nhưng Tể tướng Ngũ Tử Tư nói:

- Trời đem nước Việt cho Ngô mà đại vương không nhận là trời phạt đó!

Phù Sai liền đuổi Văn Chủng về. Câu Tiễn nghe lời Văn Chủng thuật lại, uất khí xông lên, muốn đem giết hết vợ con, đốt kho tàng châu báu rồi dẫn năm ngàn tinh binh xông vào đánh liều một trận. Văn Chủng ngăn lại, nói:

- Tôi nghe Thái tổ nước Ngô là Bá Phỉ tham lam hiếu sắc. Để tôi qua dinh Bá Phỉ dâng lễ vật nói hắn xem sao!

Vua Việt Câu Tiễn cho chọn một số mỹ nữ và báu vật đem sang dinh Bá Phỉ, vào yết kiến, Bá Phỉ cho người dò xét thấy lễ vật rất nhiều liền cho vào... Văn Chủng bày lễ vật lên bàn nói:

- Chúa công tôi có tội với quý quốc, nay biết lỗi, nguyện đem cả nước làm tôi cho Ngô. Nay có vật mọn dâng ngài, nhờ ngài nói dùm bề trên một lời. Sẽ còn nhiều ân nghĩa về sau.

Bá Phỉ làm mặt giận mắng:

- Nước Việt ngươi sẽ bị tiêu diệt trong phút giây, lúc đó cái gì của Việt không thuộc về Ngô? Ngươi dám đem chút ít vật mọn này qua nhẹm ta đấy à?

Văn Chủng nghiêm sắc mặt nói:

- Nước Việt tôi thua, nhưng hiện nay vẫn còn hơn năm ngàn binh tinh nhuệ ở Cối Khê, và một khối dân mấy trăm vạn lòng quyết tử thề quyết đánh một trận lớn, may được thì không cần bàn, còn thua, vua tôi đốt hết kho tàng, rồi chạy ra nước ngoài cầu viện, chưa chắc Việt đã thuộc về Ngô, và lúc đó ngài muốn riêng một vật quý gì cũng không có!

Bá Phỉ đứng lên nói:

- Đại phu không sang dinh Tướng quốc (chỉ Ngũ Tử Tư) mà lại sang đây là đã biết tôi có ý tốt muốn giúp người. Sáng mai tôi sẽ đưa đại phu vào yết kiến nhà vua. Bá Phỉ thu nhận lễ vật và mỹ nữ, bày tiệc khoản đãi. Hôm sau, Bá Phỉ dùng những mỵ ngôn xui vua Phù Sai cho vua Việt đầu hàng...



LỜI BÀN:

Bá Phỉ là con của Bá Khước Uyển trước đây bị Nang Ngõa giết vì nghe theo lời dèm pha của Phí Vô Cực, hắn chạy sang Ngô, Ngũ Tử Tư cám cảnh, xin vua Ngô cho hắn làm quan, không ngờ càng ngày hắn càng giống Phí Vô Cực. Trước khi Bá Phỉ cho Văn Chủng vào, hắn đã cho người quan sát lễ vật nhiều hay ít. thấy lễ vật nhiều hắn còn mở lời hăm dọa, có ý muốn vòi thêm nữa. Văn Chủng quá hiểu thuật ăn hối lộ của những tên tham quan chuyên nghiệp, nên mới nói cứng với lời lẽ quả quyết. Bá Phỉ cũng biết, nếu không nhận bây giờ thì mai này nếu nước Ngô chiếm được nước Việt, thì tài sản kia sẽ sung công hắn sẽ không được gì. Những tay hối lộ chuyên nghiệp, ngôn ngữ có lúc nhọn như mũi tên, có lúc ngọt như mật, nhưng cuối cùng cũng chỉ là những mánh khóe lừa đảo. Ai thiệt thòi mặc ai, riêng nhà chúng bạc lót đường, vàng lót ngõ, đất nước suy sụp thì chúng ôm vàng ra nước ngoài. Những kẻ ăn hối lộ quên suy tính một điều, khi chết hắn không được hưởng một đồng nào của thế gian! Bá Phỉ nhận hối lộ rồi, thì phải ra sức "bảo kê" cho vua Việt, tính trăm mưu ngàn kế để hại Ngũ Tử Tư và những bậc trung


nghĩa của nước Ngô. Kết quả sau bảy năm, Việt Vương Câu Tiễn đánh bại nước Ngô, Phù Sai tự vẫn, Câu Tiễn tru diệt cả dòng họ Bá Phỉ.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Thu Nov 14, 2013 1:38 pm


28. TẤM LÒNG QUẦN THẦN NƯỚC BẠI TRẬN

Trước khi vợ chồng Việt Vương Câu Tiễn từ biệt quần thần nước Việt để sang Ngô làm con tin. Câu Tiễn khóc với các quan:

- Tình thế buộc ta phải về Ngô, ta đành giao nước nhà lại cho các khanh, chớ phụ tấm lòng trông cậy của ta.

Phạm Lãi nói:
- Việc nội trị Lãi không bằng Văn Chủng, nhưng xông pha trận mạc, ứng biến bên ngoài thì Văn Chủng không bằng Lãi tôi. Tôi xin theo chúa công.

Văn Chủng nói:
- Lời của Phạm tướng công nói rất có lý. Tôi ở nhà ra sức chăm lo việc nước.

Quan thái tể Khổ Hành nói:
- Truyền mệnh lệnh để tỏ đức của Đại Vương, khiến dân biết an phận là việc của tôi.

Quan Tư mã Gia Kế Dĩnh nói:
- Chiêu mộ tân binh, luyện tập sĩ tốt, chấn chỉnh quân đội là nhiệm vụ của tôi.

Quan tư nông là Cao Như nói:
- Dạy dân chúng cày ruộng tiết kiệm tài sản là nhiệm vụ của Cao Như này.

Quan Thái sự Kế Nghê nói:
- Thiên văn địa lý, mở mang văn hóa... tôi xin đảm nhận.

...

Câu Tiễn lấy làm cảm động nói:
- Thế là ta yên tâm rồi!

Vua tôi chia tay tại Cố Lăng.



LỜI BÀN:
Cuộc chia tay này rất bi khái. Cái lạ ở đây, trên đất Việt hiện nay không có vua, lại cũng không có quân Ngô chiếm đóng. Người ta thường nói: "Nước một ngày không thể không vua", thế mà trong ba năm đằng đẵng nước Việt vẫn vắng bóng vua, tịch mịch làm sao! Dân Việt vẫn sống yên ổn trong sự chăm lo của các quan. Muốn được cảnh đó, ít ra các quan phải yêu thương đùm bọc cùng nhau xây dựng, và nhất là trong thâm tâm mỗi người đều hình dung họ có một ông vua hết mực nhân ái đang cùng họ chăm lo cho dân. Một triều đình không có vua, các quan chia nhau mỗi người một việc để trị cho dân, dạy dân cùng nhau giữ gìn kỷ cương xã tắc. Binh bị, kinh tế giáo dục, pháp luật... Họ đều không bê trễ. Tất cả đều sống một cách tin tưởng và đều hướng đến một cuộc chuẩn bị vĩ đại cho ngày mai. Trong suốt lịch sử, ta chưa thấy một quốc gia nào có một tình trạng lạ lùng như thời đó. Nước không vua mà vẫn không loạn. Trong bộ sử ký của Tư Mã Thiên (một sử gia vĩ đại của Hán sau này) dành một chương nói về Câu Tiễn: "Việt Câu Tiễn Thế Gia".
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Mon Nov 18, 2013 1:33 pm


29. CUỘC CHUẨN BỊ VĨ ĐẠI HAY LÀ NGHỆ THUẬT CHÍNH TRỊ CỦA CÂU TIỄN

Câu Tiễn ở Ngô ba năm có bậc hiền tài là Phạm Lãi giúp sức, vua tôi là những tù nhân của Ngô chịu muôn ngàn cay đắng, nay được vua Ngô tha về. Câu Tiễn về lại Cối Khê, trăm quan ra đón, vua tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Câu Tiễn thẹn sự bại nhục của mình liền quyết chí canh tân đất nước và trả mối thù vong quốc đó.

Phạm Lãi xây lại thành Cối Khê thật kiên cố rộng trên 50 dặm, bọc cả núi Cối Khê vào bên trong, mặt Đông Bắc thành chừa trống, phao tin đó là con đường đi cống (thật ra đó là con đừng chiến lược để ngày sau tiến binh diệt Ngô). Câu Tiễn cho tuyển tân binh, luyện quân đội, nuôi già, dạy trẻ, cứu nghèo trăm họ yên vui. Câu Tiễn sợ mình quên đi cái thù nước Ngô nên treo quả mật bên cạnh chỗ ngồi, thỉnh thoảng nếm vào để nghe vị đắng của nó mà nhớ! Tự tay ông thảo Bộ luật Hôn Nhân: "Thanh niên không được lấy vợ già. Ông già không được lấy vợ trẻ. Trai hai mươi tuổi không chịu cưới vợ, gái mười bảy tuổi không chịu lấy chồng thì bắt tội cha mẹ. Đàn bà gần đến ngày sinh phải báo cho quan biết, quan sai lương y đến nhà chăm sóc (nếu sinh nam thì thưởng bầu rượu và con chó, sinh gái thì được thưởng bầu rượu và con heo). Sinh ba con trở lên, quan nuôi hai, gia đình chỉ nuôi một". Vua nghe nhà nào có người chết thì thân hành đi đám ma. Mỗi khi đi đâu vua cũng mang theo cơm, hễ gặp trẻ nhỏ thì cho ăn, hỏi tên và làm quen với nó. Đến ngày mùa, vua vẫn cày bừa trồng trọt, còn phu nhân thì dệt cửi, may vá, ăn mặc tiết kiệm, miễn thuế cho dân trong bảy năm. Vua không quên đem lễ vật viếng thăm vua Ngô (để Ngô khỏi nghi). Vua Ngô tin tấm lòng thành của Câu Tiễn nên phong thêm đất cho Việt rộng hơn 800 dặm. Bên Ngô, Phù Sai nghe lời Bá Phỉ cho xây Đài Cô Tô thật nguy nga tráng lệ. Vua Ngô yết bảng: "Cần tìm thứ gỗ quý". Văn Chủng nghe được liền vào báo với Câu Tiễn:

- Thần có 7 kế phá Ngô:

1) Chịu tốn tài vật để vua tôi nước Ngô khỏi nghi.

2) Xuất của kho mua lúa và cỏ để Ngô thiếu lương thực cho người, thiếu cỏ cho ngựa.

3) Chọn mỹ nữ dâng vua Ngô để mua hoặc.

4) Chọn thợ khéo và gỗ tốt cho vua Ngô xây lâu đài.

5) Ngầm vận động kẻ gian thần của Ngô làm nước Ngô rối loạn.

6) Ly gián trung thần để Ngô suy.

7) Tích của, luyện quân chuẩn bị đánh Ngô.

Câu Tiễn nghe theo bảy điều đó. Nhà vua ra lệnh cho người vào rừng tìm hai cây gỗ quý gọi là Thần mộc, lớn hai mươi ôm, cao 50 trượng cho người đem sang nước Ngô biếu, vua Ngô rất mừng. Vua Ngô truyền xẻ gỗ cất lâu đài Cô Tô cao 300 trượng rộng 84 trượng. Trèo lên đài trông xa 200 dặm! Trăm họ lao dịch ngày đêm suốt năm năm chết rất nhiều. Câu Tiễn cho người tìm được hai mỹ nhân là Trịnh Đán và Tây Thi (Tây Thi là một trong tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Hoa), mọi người tranh nhau đi xem người đẹp. Ai muốn xem thì bỏ vào công quỹ một đồng. Trong ba ngày số tiền thu đầy kho. Các đại nhạc sư chuyên cần dạy hai người biết múa hát, rồi đem dâng lên vua Ngô. Câu Tiễn cho người sang Ngô vay lúa về phát không cho dân, năm sau ông chọn giống lúa tốt đem luộc đi, rồi phơi thật khô trả lại cho vua Ngô. Vua Ngô thấy giống tốt cho trăm họ gieo giống đó, lúa không mọc, nước Ngô mất mùa, Ngũ Tử Tư ra sức khuyên can những điều thất chính của vua Ngô, nhưng vua không nghe, cũng bởi bị Bá Phỉ bịt mắt. Câu Tiễn cho người rước người Xử Nữ ở Nam Lâm về dạy kiếm cho quân đội Việt. Bà dạy trong một năm, phép đánh kiếm của quân Việt thành thục. Câu Tiễn cho rước cung sư Trần Âm về dạy cung pháp cho quân đội. Quân đội nước Việt thành hùng cường vào cuối thời Xuân Thu... không bao lâu Việt diệt Ngô và làm bá chủ thiên hạ, dẫn chư hầu vào triều tôn Chu.



LỜI BÀN:


Đây là đoạn văn kiểu mẫu thuật lại một sự nỗ lực của một ông vua đã từng bại trận và mất nước. Về nội trị, ông soạn thảo một bộ luật mới về Hôn Nhân, cốt làm sao cho nước mau đông dân, để bù vào sự thiếu hụt dân số do chiến tranh trước đây và cũng để dự bị vào công việc quốc phòng. Ông làm gương cho mọi người chăm lo lao động, sản suất để nước được hùng cường. Một bản kế hoạch do Văn Chủng soạn thảo gồm bảy điều với nội dung làm giàu cho dân giàu nước mạnh và nước địch ngày càng suy thoái. Bất chấp mọi thủ đoạn, bằng cách nào mặc, lòng ông quyết đưa nước Việt lên hàng đại cường quốc. Điều muốn nói ở đây, ông vua không còn là "đệ nhất công dân", ông tự coi mình là một thường dân như mọi người dân khác, mỗi khi ra ngoài không có tiền hô hậu ủng, không có tiệc tùng tốn kém, ông vẫn cày bừa gieo cấy, trồng trọt như một nông dân chuyên nghiệp, chứ không phải "đặt viên đá đầu tiên" để làm kiểng. Gương xây dựng nước của Câu Tiễn là một trong những hình ảnh sống động, bi tráng, oanh liệt nhất của Trung Hoa trong 25 thế kỉ qua.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Wed Nov 27, 2013 10:50 pm

30. LO TRONG VÀ LO NGOÀI (TỬ CỐNG THUYẾT KHÁCH)

Họ Trần ở nước Tề muốn đoạt nước, nhưng thấy họ Cao, họ Quốc, họ Tôn còn mạnh, nên chưa dám. Trần Hằng trù tính kế hoạch xong, vào tâu với Tề Giản Công:

- Nước Lỗ dựa vào Ngô đem binh làm nhục ta, thù ấy nay phải trả.

Tề Giản Công nghe lời, phong Quốc Thư làm đại tướng, Cao Vô Bình, Tôn Lâu làm phó, rầm rộ kéo đại binh đi đến biên giới nước Lỗ.

Bấy giờ Khổng Tử đang ở Lỗ san định các kinh Thi, Thư, nghe nước Tề kéo quân đánh Lỗ, than:

- Lỗ là tổ quốc của ta, phải cứu!

Than rồi hỏi học trò:

- Có trò nào đi ngăn quân Tề đừng đánh Lỗ, được không?

Hai đệ tử Công Tôn Long và Chuyên tôn Sư xin đi, ông kêu không được.

Tử Cống nói:

- Tứ con đi được không?

Khổng Tử đáp:

- Được.

Tử Cống đến Vấn Thủy, xin vào yết kiến Trần Hằng. Hằng biết Tử Cống tên thật là Đoan Mộc Tứ là cao đồ của Khổng Tử đến đây thuyết khách cho Lỗ bèn mời vào, hỏi:

- Tiên sinh đến đây thuyết khách cho Lỗ đó chăng?

Tử Cống nói:

- Tôi đến đây vì Tề chứ không phải vì Lỗ! Lỗ là nước khó đánh sao ngài lại cho đánh?

- Nước Lỗ khó đánh ở chỗ nào?

- Lỗ thành thấp, hào nông, vua yếu, quan hèn, sĩ tốt không luyện tập, vì vậy mới là khó đánh. Còn Ngô, thành cao,, hào sâu, binh hùng tướng mạnh, mà lại dễ đánh!

Trần Hằng lấy làm khó chịu nói, nói:

- Khó và dễ tiên sinh nói đảo điên mất!

Tử Cống mỉm cười nói:

- Cho lui kẻ tả hữu, tôi sẽ trình bày.

Trần Hằng cho tả hữu lui ra ngoài, Tử Cống nói:

- Nay tướng quốc cử binh đánh Lỗ là cốt lo "mặt trong" chứ không phải lo "mặt ngoài". Người ta thường nói: "Nước, nếu lo Mặt ngoài thì đánh nước yếu, còn lo Mặt trong thì đánh nước mạnh".

Thế của ngài hôm nay không thể đồng sự với các đại thần kia được. Các vị ấy nay mà đánh Lỗ, tất phải có công. Công của họ mỗi ngày mỗi to, thì thế lực của họ mỗi ngày mỗi mạnh, còn quan Tướng quốc thì không có công gì, không nguy sao được? Còn nay quan Tướng quốc quay sang đánh Ngô, các vị đại thần ắt khổ, quyền chính trong nước thuộc về ngài.

Trần Hằng tươi ngay nét mặt nói:

- Tiên sinh hiểu ruột gan tôi lắm! Nhưng Tề lỡ đóng quân đây rồi, giờ quay sang đánh Ngô sao tiện?

Tử Cống nói:

- Tôi sẽ thuyết phục Ngô đem quân đánh Tề, ngài có cớ đánh Ngô.

Nói rồi liền sang Ngô, vào yết kiến Phù Sai nói:

- Trước đây Ngô và Lỗ hợp binh đánh Tề, Tề rất căm thù Ngô. Nay Tề không dám đánh Ngô mà lại đánh Lỗ, rồi thừa thắng kéo xuống đánh Ngô, đó là chắc. Đại vương nên đánh Tề để cứu Lỗ. Lỗ là chư hầu sẽ phục ngài!

Phù Sai nói:

- Tề là nước phản phúc sớm đầu tối đánh. Quả nhân muốn đem binh phạt Tề nhưng sợ Việt đánh úp. Giờ đánh Việt trước rồi mới đánh Tề sau.

Tử Cống nói:

- Không nên! Nước Việt yếu, nước Tề mạnh. Đánh nước Việt mà tha nước Tề sao gọi là trí dũng? Nếu đại vương có ngại vua Việt, tôi sẽ bảo vua Việt đem quân theo hầu đại vương. Trận ấy Câu Tiễn có gởi quân tham chiến, và quân Ngô đại thắng quân Tề ở Ngãi Lăng.



Lời Bàn:

Đoạn này nói tài hùng biện của Tử Cống. Thầy của Tử Cống là Khổng Tử người nước Lỗ, mà nước Tề xâm lăng nước Lỗ nên các đệ tử vì thầy mà ra sức cứu nước Lỗ. Tử Cống không dùng binh đao mà chỉ uốn ba tấc lưỡi đẩy lui quân Tề đi chỗ khác. Tử Cống hiểu được tâm lý của Trần Hằng, muốn mượn tay nước ngoài trừ họ Cao, họ Quốc, họ Tôn. Ý Trần Hằng là như vậy mà khởi binh đánh nước Lỗ là quá vụng, vì đánh nước Lỗ, tất nhiên Tề phải thắng. Tề thắng thì các quan họ ấy có công, do đó Trần Hằng nghe lời Tử Cống đình binh lại và không đánh nước Lỗ. Có điều, Tử Cống nói: "Lo trong thì đánh nước mạnh, lo ngoài thì đánh nước yếu". Nhưng ta nhận thấy, như nước Ngô hiện tại, không phải tình trạng lo trong mà là lo ngoài, vì Ngô muốn làm bá chủ, như thế Tử Cống có mâu thuẫn không? Ta biết, Bá Phỉ là tên bạo ngược, xiểm thần. Phù Sai một mực tín dụng hắn, nên không độc ác cũng trở thành độc ác. Tử Cống ghét thói bạo ngược. Tề lại càng bạo ngược hơn nữa. Tử Cống cố gài hai nước bạo ngược đánh nhau, để chúng không đủ lực hiếp đáp các nước nhỏ nữa.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Sat Dec 21, 2013 10:45 pm

31. NGƯỜI NƯỚC SỞ LÀM DẤU TRÊN THUYỀN, TÌM GƯƠM DƯỚI SÔNG

Có một người nước Sở đi thuyền trên sông. Thuyền qua những nơi phong cảnh xinh đẹp anh ta có vẻ thích lắm. Người ta cứ tưởng anh ta là người rất sành về ngoạn cảnh. Anh cười và nói huyên thuyên. Chỗ sông sâu anh ta cũng nhảy nhót, chỗ sông nông anh ta cũng khoa tay múa chân, bất ngờ thanh kiếm anh ta đeo bên hông rơi xuống nước! Anh muốn nhảy xuống sông để tìm thanh kiếm, nhưng sông sâu quá nên không dám. Anh mượn thanh kiếm người bên cạnh khắc vào be thuyền làm dấu và ghi mấy chữ "Kiếm rơi chỗ này". Thuyền tới bến, người nước Sở ấy từ chỗ làm dấu khi nãy nhảy xuống sông tìm thanh kiếm đã rơi! Người nước Sở ơi! Anh không biết thuyền trôi đi chứ kiếm không trôi sao?



LỜI BÀN:

Thanh kiếm rơi xuống sông, dù vị trí những người ngồi trên thuyền không thay đổi, nhưng thanh kiếm không hề song hành với chiếc thuyền. Người nước Sở kia vẫn không biết được điều đó.


Thanh kiếm rơi trên nguồn, lặn tìm nó ở cuối nguồn! Đời nay có ai như người ấy không nhỉ!.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Tue Dec 24, 2013 3:22 pm

32. HÀ BÁ CƯỚI VỢ

Ngụy Văn Hầu sai Tây Môn Báo làm Thái Thú trấn nhậm Nghiệp Quận. Đến nơi, ông thấy cảnh tiêu điều xơ xác, dân chúng thưa thớt hốt hoảng. Tây Môn Báo hỏi thăm vài người, họ bảo:

- Nghiệp Quận khổ vì Hà Bá cưới vợ!

Ông ngạc nhiên hỏi:

- Hà Bá cưới vợ ư?

- Hà Bá là thần sông Chương này. Thần rất thích vợ đẹp, mỗi năm bắt dân phải nộp một thiếu nữ nhan sắc, thần mới cho mưa thuận gió hòa. Nếu không thần sẽ cho bão lụt, dâng nước cuốn trôi nhà cửa.

Tây Môn Báo hỏi:

- Ai bày ra việc ấy?

- Bọn đồng cốt và Tam lão (Tam lão là ba ông lão già làng có uy tín, thay mặt chính quyền địa phương giải quyết việc làng). Dân làng ở đây rất sợ Hà Bá làm lũ lụt. Bọn đồng cốt, tam lão, hào trưởng bắt dân phải nạp mấy trăm quan tiền cúng Hà Bá cưới vợ. Mỗi năm chúng bắt đầu đi dạo, nhà nào có con gái thì chúng nói:

"Đáng làm vợ Hà Bá". Nhiều người sợ phải nạp tiền thật nhiều cho chúng, nhà không tiền thì phải nạp con gái. Chúng chọn ngày tốt bắt kẻ xấu số kia đi tắm sạch sẽ, mặc đồ đẹp cho ngồi vào thuyền cỏ đẩy ra giữa sông. Thuyền cỏ chìm, thiếu nữ ấy cũng biệt tích. Nhiều người không tiền đành trốn đi. Nghiệp Quận ngày càng thưa dân.

Tây Môn Báo nói:

- Hà Bá đã thiêng như vậy, thì hôm nào tới ngày Hà Bá lấy vợ cho ta biết để hợp sức mà cầu.

Đến ngày đó Tây Môn Báo mặc triều phục ra bờ sông, thấy hào trưởng, đồng cốt, tam lão và dân chúng cả ngàn kéo đến xem. Bọn tam lão đưa một bà đồng cốt đến, vẻ mặt cực kỳ kiêu ngạo, theo sau chừng hai chục đệ tử, trang phục cực kỳ diêm dúa.

Tây Môn Báo bảo bà đồng:

- Hà Bá là Phúc thần thì phải tìm một thiếu nữ cho đẹp mới được, coi cô gái này không xứng. Phiền mụ xuống nói với Hà Bá rằng, vâng mệnh quan Thái thú đi tìm một thiếu nữ nhan sắc sẽ nạp sau!

Tây Môn Báo sai lính ném bà đồng xuống sông, ông ngồi im chờ đợi. Hồi lâu không thấy gì, Tây Môn Báo nói:

- Bà đồng này tuổi đã già không làm được việc, đi đã lâu mà không thấy trả lời. Các đệ tử giục bà ấy lên cho ta!

Nói xong bắt hai đệ tử nắm tay nhau nhảy xuống sông. Rồi ông cũng ngồi im như trước. Một lúc, Tây Môn Báo lại nói:

- Sao lại không thấy lên?

Rồi sai hai đệ tử khác "đi giục", lại chê chậm, rồi lại bắt đi...

Tây Môn Báo nói với Tam lão:

- Họ là những người yếu đuối, ăn nói không rõ ràng. Phiền tam lão xuống nói cho minh bạch.

Tam lão không chịu đi. Tây Môn Báo hét:

- Đi mau, rồi về nói lại cho biết!

Lính lôi tam lão đẩy xuống sông. Mọi người khiếp sợ, Tây Môn Báo đứng chắp tay kính cẩn đợi chờ, hồi lâu nói:

- Tam lão cũng không xong việc. Phiền các hào trưởng vậy. Các hào trưởng cả sợ, vập đầu lạy đến chảy máu. Tây Môn Báo nói:

- Nước sông cuồn cuộn, Hà Bá chỗ nào? Các ngươi hại không biết bao nhiêu thiếu nữ vô tội ở vùng này. Phải đền mạng cho họ! Các hào trưởng vừa lạy vừa nói:

- Chúng tôi bị đồng cốt lừa dối.

Tây Môn Báo nói:

- Bà đồng chết rồi, từ nay kẻ nào nói Hà Bá cưới vợ ta sẽ trị tội. Còn bọn hào trưởng lấy của dân bao nhiêu thì phải trả lại cho đủ.

Từ đó việc đồng cốt ở Nghiệp Quận mới dứt.



LỜI BÀN:

Đồng cốt là một trong những việc mê tín của thời thượng cổ, thậm chí cho đến hôm nay trên Việt Nam nhiều nơi vẫn lén lút sinh hoạt. Chuyện cảm ứng chưa chắc đã không có nhưng nó không sinh lợi cho nhân sinh. Qua truyện này ta thấy, đám đồng cốt là một lũ dã man, phi nhân cấu kết với đám cường hào để hại dân, hại nước. Chúng lợi dụng lòng tín ngưỡng chất phác của dân đưa vào con đường mê tín. Tây Môn Báo đến Nghiệp Quận thấy cảnh vật tiêu điều buồn bã, dân tình không có sinh khí, những gương mặt héo hắt sầu thảm, hỏi ra mới biết nguyên nhân. Ông không vội vàng hấp tấp, hoặc ra lệnh bắt bớ, vì làm như vậy không thể hốt được trọn ổ, và cũng có thể va chạm sự tín ngưỡng cố hữu của dân. Hồi đó họ đâu phân biệt được đâu là tín ngưỡng và mê tín. Ông phải chọn cách trừng trị bọn dã man mà không ai phản đối, không va chạm đến tín ngưỡng của dân, mà còn làm cho dân ý thức được rằng bọn đồng cốt là lũ lường gạt, buôn thần bán thánh, là đám giết người cướp của một cách công khai, tội còn nặng hơn những tên cường đạo. Tây Môn Báo tham dự buổi lễ "Hà Bá cưới vợ", với vẻ tranh nghiêm kính cẩn, vẫn mặc đồ đại lễ và có một vài tên cận vệ mang hoa quả theo, vờ như tin Hà Bá cưới vợ là chuyện có thật. Cứ để mụ đồng nhảy nhót với gương mặt kiêu ngạo, như bao nhiêu lần kiêu ngạo trước đây. Viên Thái thú nhìn gương mặt cô vợ Hà Bá rồi lắc đầu nói: "Coi cô gái này không xứng. Phiền bà đồng xuống nói với Hà Bá rằng, vâng lệnh quan thái thú đi tìm một thiếu nữ nhan sắc sẽ nạp sau!". Vì Hà Bá ở dưới nước nên bắt bà đồng bỏ xuống nước, rồi ngồi đợi, vờ như bà đồng lên phúc đáp thật. Các bà đồng con son phấn diêm dúa, gương mặt tự đắc khi nãy với đôi mắt trắng nhợt, giờ có lẽ hơi xuống sắc, cũng lần lượt ra đi, mà không thấy Hà Bá đâu, cũng không thấy ai trở lại phúc đáp! Bây giờ dân chúng mới hiểu rằng, không có sự linh ứng nào ở đây cả. Rõ ràng bọn này là lũ lường gạt hại người. Tây Môn Báo đã làm cuộc hồi sinh cho Nghiệp Quận. Nếu giết những tên bất lương mà Nghiệp Quận vẫn còn "nước dâng cuốn nhà", thì dân chúng phải nghĩ là Hà Bá nổi giận, bởi vậy ông phải làm cho ra lẽ. Sử nói: "Tây Môn Báo cho quân lính hợp với dân chúng đào 12 con rạch từ sông Chương ra sông Hoàng Hà (cách nhau khoảng 120 km), nhờ vậy mà Nghiệp Quận không còn lũ lụt nữa. Đến đời Vũ Đế đời Hán, các quan nói làm đường cho vua đi, ra lệnh lấp các con kênh đó, dân chúng nổi lên phản đối, với khẩu lệnh "Phép tắc của bậc tiên hiền để lại không được thay đổi". Nghiệp Quận từ đó trở thành khu trù mật, dân cư sầm uất, là một trung tâm kinh tế lớn của Ngụy, nên người ta gọi là Nghiệp quận là Nghiệp Đô". Tây Môn Báo là ông quan sáng suốt và mẫu mực. Sử ký nói:


"Tây Môn Báo cai trị Nghiệp Quận dân không dám dối".
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Thu Dec 26, 2013 11:18 pm

33. LÀM THẾ NÀO ĐỂ DÂN ĐỒNG LOẠT THI HÀNH PHÁP LỆNH?

Vệ Ưởng là hoàng thân nước Vệ, nên còn có tên là Công Tôn Ưởng, hiện đang làm Tể tướng nước Tần, ông soạn thảo "Pháp lệnh thất điều" (sử gọi đó là Biến Pháp của Vệ Ưởng). Vệ Ưởng chưa dám tuyên bố, vì sợ dân chúng không tin. Ông bèn nghĩ một cách:

Ông cho dựng một cây cột mà ai cũng đủ sức vác, rồi rao:

- Ai mang cây cột này đặt ở phía bắc chợ sẽ được 10 lạng vàng!

Ai nấy đều ngạc nhiên, vì nghĩ mình vác nó dễ dàng, chỉ sợ quan trên lừa mình, nên không ai dám vác.

Vệ Ưởng thấy vậy tăng lên 50 lạng vàng. Có một kẻ nghèo liều mạng đến vác cây cột ra cửa bắc chợ. Lập tức Vệ Ưởng thưởng 50 lạng vàng mà không có điều kiện gì.

Ai nấy đều khen:

- Quan trên biết giữ lời!

Vệ Ưởng liền tuyên bố "Biến Pháp thất điều". Ai nấy đều răm rắp thi hành pháp lệnh.



Lời Bàn:


Đối với chính phủ ngày xưa, người dân lúc nào cũng vô quyền. Dân chúng chỉ tin vào tư cách các nhà cầm quyền, nên nhắm theo đó mà... ăn ở.

Vệ Ưởng nắm được điều đó mới bày tỏ một cử chỉ đẹp cho ai nấy đều thấy, đều nghe để làm tin. Khi dân chúng đã tin theo, thì việc thi hành không trở ngại. Điều cần nói thêm ở đây là Vệ Ưởng chỉ dùng "thuật" chứ không phải là "Nghệ thuật".
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Mon Dec 30, 2013 9:44 am

34. KHEN CHÊ CŨNG ĐỀU CÓ TỘI

Sau khi "Biến Pháp thất điều" được công bố, hàng ngàn người cho rằng biến pháp đó bất tiện, những người ấy bị biên tên vào sổ chờ ngày trị tội! Thái tử Tứ phàn nàn:
- Thật là rắc rối cho thứ pháp luật này!

Vệ Ưởng nói:

- Sở dĩ pháp luật không được thi hành là do những người trên vi phạm.

Vệ Ưởng muốn trị tội Thái tử, nhưng Thái tử sẽ là người nối ngôi vua, nên Vệ Ưởng phải trị tội thầy dạy Thái tử, đó là hai vị hoàng thân, bằng cách thích chữ vào mặt. Kể từ đó mọi người đều tuân theo mệnh. Pháp lệnh thi hành trong 10 năm dân Tần sống có nề nếp, trật tự, ngoài đường không ai nhặt của rơi, trong xóm không có sự gây gổ, ấu đả, trong núi không có trộm cướp. Những người chê pháp luật bất tiện, giờ lại khen, Vệ Ưởng nói:

- Khen cũng là đầu mối của sự xáo trộn!

Rồi bắt những gia đình khen, chê đó đày đi biên giới. Dân Tần im re!



LỜI BÀN:

Các nhà chính trị đời sau cho Vệ Ưởng là nhà Đại Cách Mạng. trung tuần Tây Hán, Vương Mãn dựa vào Biến pháp Vệ Ưởng làm một cuộc cách mạng toàn diện, nhưng sau 17 năm thì thất bại. Sự thất bại đó do đám nho sĩ lạc hậu sách động. Đến vương An Trạch của Tống, Khang Hữu Vi của Thanh cũng làm




HẾT CUỐN 1
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Thu Jan 02, 2014 6:56 pm

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Thu Giang Nguyễn Duy Cần


MỤC LỤC

Phi Lộ
Thay Lời Tựa

CHƯƠNG I: LÒNG TỰ ÁI
CHƯƠNG II: CHỮ “LỄ” CỦA Á ĐÔNG
CHƯƠNG III: CÓ TÀI MÀ CẬY CHI TÀI
CHƯƠNG IV: ÂN VÀ OÁN
CHƯƠNG V: ĐẠO CƯƠNG NHU
CHƯƠNG VI: BIẾT… SỐNG

Phụ Lục
Xử Thế Cách Ngôn



* * * * * * *

PHI LỘ


Cổ ngạn nói: Mặt trời không có đối với kẻ đui, sấm sét không có đối với người điếc”.

Văn hào Đức, Hermann de Keyserling, có thuật câu chuyện ngộ nghĩnh này: “Một luật sư kia nói với đứa con trai mười lăm tuổi của ông: Từ mười lăm đến hai mươi tuổi, cha cho con quyền tin tưởng con thông minh hơn cha; từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi, cha cũng cho con có quyền tin tưởng con thông minh bằng cha; nhưng từ hai mươi lăm đến ba mươi tuổi thì cha buộc con phải nhìn nhận cha thông minh hơn con một cách tuyệt đối vậy”.

Chưa kinh nghiệm mà nghe bàn đến cái khôn ngoan do kinh nghiệm mà có kia, làm sao tin được, làm sao không mỉm một nụ cười ngờ vực được…

Tôi đã từng sống qua cái tâm sự của thanh niên, tôi cũng đã từng mỉm một nụ cười ngờ vực…

Nhưng hôm nay, tôi không còn giữ được nụ cười ấy nữa… Cái hay của cổ nhân, cũng như cái dở của cổ nhân đều có thể là những bài học thâm trầm cho tất cả… “Trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi ”.

Bởi vậy tôi phải thắp hương mà đọc lại những gì xưa kia tôi ngờ vực…

Thu Giang Nguyễn Duy Cần



* * * * * * *

THAY LỜI TỰA


• Trang Tử nói: “Có lờ là để bắt cá, đặng cá hãy quên lờ. Có dò là để bắt thỏ, đặng thỏ, hãy quên dò. Có lời là để tỏ ý, đặng ý, hãy quên lời… Ta làm sao tìm đặng kẻ biết quên lời… để cùng nhau đàm luận”.

• Một ngày kia, Phật chỉ trăng, bảo các đệ tử: “Kìa là mặt trăng, cứ ngó theo ngón tay ta thì thấy. Nhưng nên nhớ: Ngón tay ta không phải là trăng. Những lời ta giảng về Đạo cũng vậy: Các con cứ nghe lời ta giảng mà tìm Đạo. Nhưng nên nhớ: Lời giảng của ta không phải là Đạo”.

• Bàn đến cái đạo xử thế hôm nay, đâu có khác nào: Chẳng qua là “cái dò săn thỏ” hay “cái ngón chỉ trăng”…


(THU GIANG)


• Cái gì cũng biết, mà cái Đạo Làm Người chưa biết, chưa gọi được là người khôn.


(HOÀI NAM TỬ)


• Ở đời không có cảnh ngộ nào dễ xử. (TĂNG QUỐC PHIÊN)

• Người ta mà có thể bỏ được những cái khôn vặt, mới có thể khôn lớn được…
KHÔN, chết…
DẠI, chết…
BIẾT, sống…

(TRANG TỬ)
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Mon Jan 06, 2014 11:24 am

LÒNG TỰ ÁI



Người xưa có nói: “Giữa chốn ba quân có thể đoạt được soái ấn, nhưng không thể đoạt đươc cái chí của kẻ thất phu”.

Kẻ nói câu này, thật đã khám phá được cả tâm sự của loài người.

Người ta, dầu là một kẻ tầm thường đến bậc nào, bao giờ cũng cho ý kiến mình là quan trọng hơn tất cả. Cái “tôi” có phải là dễ ghét đâu theo như lời Pascal. Nó là cái chữ dễ yêu nhất trong đời. Nhưng vì ta đã quá nâng niu chìu chuộng nó… mà thành ra cách xử lý tiếp vật trong đời ta gây không biết bao nhiêu sự vụng về, ân hận, đau khổ, tai ương… Và cũng chính vì thế mà Pascal mới thốt ra câu nói chua cay này, “Cái tôi rất đáng ghét”. (1)

Nó chẳng những dễ yêu mà thôi, nó lại là trung tâm điểm của vũ trụ là khác. Bao nhiêu sự vật trong đời, chung qui đều quây quần theo cái cốt ấy: Bản ngã.

Bởi thế, muốn đoạt được cái chí của một kẻ thất phu, người xưa cho là khó khăn hơn là đoạt soái ấn giữa chốn ba quân.

Dùng cường lực, dùng uy thế mà bức người phải nghe theo mình, không bao giờ làm được; mà dầu có làm được đi nữa thì cũng chỉ là một việc làm có thể được tạm thời mà thôi.

Ở đời không ai có thể chịu nhận mình là quấy cả. Dầu là tay đại gian, đại ác như Tào Tháo cũng không chịu nhận mình là gian ác. Tào Tháo thường xưng mình là vì dân vì nước, mà Lưu Bị cũng tin mình vì nước vì dân. Godse, người ám sát Gandhi mà thiên hạ phần đông nguyền rủa, vẫn tươi cười trước khi chịu tử hình. Bởi vậy, bàn cãi với người và muốn đem cái lẽ phải của mình ép buộc họ phải nghe theo thì chắc chắn không bao giờ được, lại còn gây thêm lắm điều không hay khác trong tình giao hảo hằng ngày.

Thuở nhỏ, tôi là người thích cãi nhất. Tính hiếu thắng xui tôi bao giờ cũng không chịu nhịn một ai cả, dầu trong một lời nói tầm thường cũng vậy. Trong những cuộc cãi vã, không bao giờ tôi chịu nhượng ai một lời. Rủi mà lời nói mình không được người để ý đến hoặc ruồng rẫy bỏ qua, thì không gì buồn khổ, bực tức bằng. Nói thì có hơi quá đáng, nhưng sự thật tâm sự tôi bấy giờ không khác gì tâm sự của Khuất Nguyên, có điều là không đến nỗi đi trầm mình nơi sông Bộc…

“Khuất Nguyên, làm quan cho Hoài Vương, nước Sở, bị sàm báng phải bị đuổi đi. Mặt mũi tiều tụy, hình dung khô héo… một ông Lão đánh cá trông thấy, hỏi: Có phải là Tam Lư đại phu đó chăng? Sao mà đến nỗi khốn khổ thế?

Khuất Nguyên nói: Đời đục cả, một mình ta trong, người say cả, một mình ta tỉnh… Bởi vậy, ta phải bị bỏ đi…”

Đâu phải đó là riêng gì tâm sự của Khuất Nguyên, mà là tâm sự chung của mọi người. Tại sao mình muốn cho người ta phải nghe theo mình mà không để cho người ta như mình, nghĩa là theo cái ý nghĩ của người ta.


* * *
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Mon Jan 06, 2014 11:35 am

* * *


Tuổi thanh xuân thường vì huyết khí bồng bột nên không chịu coi vào đâu những ý kiến của các bậc cao niên đầy kinh nghiệm hơn. Dầu có muốn cho mấy cũng không làm gì tránh khỏi sự xung đột giữa hai thế hệ. Vậy, làm cha mẹ bây giờ, tại sao ta không biết lấy cử chỉ khôn ngoan của nhà mục sư kia đối với đứa con trai mười lăm tuổi của ông mà xử với con mình? Ông mục sư ấy bảo với con ông: “Từ mười lăm tuổi đến hai mươi tuổi, cha cho phép con tin rằng con thông minh hơn cha. Từ hai mươi đến hai mươi lăm tuổi, thì con cũng có quyền tin rằng con thông minh bằng cha. Nhưng bắt đầu từ hai mươi lăm tuổi sắp lên, thì cha bắt buộc con phải nhìn nhận sự thông minh của cha hơn con nhiều một cách tuyệt đối vậy”.

Thật, ông cha này là một ông cha thông minh và khôn ngoan nhất. Tôi đã từng trải qua những giai đoạn ấy, những lúc mà huyết khí đã đưa tôi lên tận mây xanh của lòng tự phụ, không xem vào đâu sự kinh nghiệm của bậc tiền nhân và đã đưa tôi vào những cuộc phiêu lưu tinh thần không bờ bến… Mỗi một ý nghĩ gì chạm đến lòng tự phụ của tôi, thì tôi quyết đánh đổ đến kỳ cùng… nhất nguyện không bào giờ chịu để cho ngã lẽ… dẫu biết mình là sai lầm. Lắm khi nằm đêm suy nghĩ biết mình quấy nát, thế mà lòng tự ái cấm cản không cho mình đi về đường phải. Ước gì người ta đều biết cư xử với bọn thanh niên của chúng tôi như ông mục sư kia… thì biết bao nhiêu thanh niên đã không liều lĩnh đi vào con đường lãng mạn và đầy chông gai của nhưng lý tưởng mù mờ, nhưng khôn ngoan là biết chiều theo lòng thị dục đương buổi của chúng tôi. Thật, ông mục sư trên đây là người hiểu rõ tâm sự của thanh niên nhiều lắm.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Wed Jan 08, 2014 9:03 am


Đừng công kích, đừng biếm nhẽ, đừng mạt sát ai… nghĩa là đừng chạm vào lòng tự ái của ai cả, nếu mình muốn người ta theo mình, nghe theo cái lẽ phải của mình. Hơn nữa, cái thiện cảm đầu tiên mà mình gây được nơi lòng người rồi, đó là cái chìa khóa của thành công của mình sau này vậy.


Thương nhau mọi sự chẳng nề,
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.



Trái lại, nếu mình vô tình gây lấy ác cảm lúc ban đầu thì con đường thất bại của mình đà vạch sẵn:


Yêu ai, yêu cả đường đi,
Ghét ai, ghét cả tông chi họ hàng…



Huống chi tư tưởng của mình, nếu có sự yêu ghét chen vào trước, thì sự thuận nghịch thấy liền trước mắt. Lý luận đanh thép bậc nào, bằng cứ dồi dào bậc nào cũng không làm gì chuyển được cái ác cảm gây ra lúc ban đầu. (2)


* * *


Huống chi trong khi bàn bạc, mình cũng phải kể đến trình độ của kẻ khác. Dầu người ấy có ngu si vụng dại đến đâu, phải biết cho họ cũng có cái lý của họ, hoặc vì trình độ hiểu biết của họ chỉ đến ngần ấy là cùng. Đối với người thấp, đừng dùng lời quá thấp mà bị người khinh thường.

Khổng Tử có nói: “Trung nhơn dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã, trung nhơn dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã”. Bậc trung trở lên, thì có thể dùng lời cao mà nói được; từ bậc trung trở xuống, không thể dùng lời nói cao mà nói được nữa. Một câu đọc thuộc lòng thuở nhỏ, đến nay mới hiểu được tất cả ý nghĩa thâm trầm của nó.

Trang Tử còn rõ ràng hơn: “ Đồng ý với ta, cho ta là phải; không đồng ý với ta, cho ta là quấy… Đã cho ta biện bác cùng anh, anh được, ta không được, vậy anh đã hẳn là phải, mà ta đã hẳn là quấy chăng? Nếu ta thắng được anh, anh không thắng được ta, vậy ta hẳn đã là phải, mà anh hẳn đã là quấy chăng? Hay là, hoặc khi phải, hoặc khi trái chăng? Hay là cả hai ta cùng phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta cùng anh không thể biết được nhau vậy. Giờ ta phải nhờ đến ai để quyết định điều đó? Nhờ kẻ đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với anh thì làm sao mà quyết định được. Cậy người đồng với ta để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với ta thì làm sao mà quyết định việc đó được. Vậy phải nhờ kẻ khác với anh và ta để quyết định điều đó ư? Họ đã khác với ta và khác với anh thì làm sao mà quyết định được. Nhờ người đồng với ta và đồng với anh để quyết định điều đó ư? Họ đã đồng với ta và đồng với anh thì làm sao mà quyết định được việc đó? Vậy thì, ta cùng anh, cùng người đều không thể biết nhau, còn phải đợi kẻ khác làm gì? ”

Câu này đã làm cho tôi tỉnh ngộ nhiều lắm. Thật vậy, cái phải quấy của thiên hạ chẳng qua ở chỗ thuận nghịch với những ý tưởng có sẵn của mình thôi. Chỉ có một sự đồng cùng không đồng mà lời mình nói, việc mình làm phải hay quấy. Và chỉ có thế thôi. Trình độ hiểu biết của ta không thể bắt buộc ta phải nhận được những điều mà ta chưa thể hiểu được. Không chịu hiểu thế, mà gắng gượng làm cho kẻ khác cùng phải ngã lẽ theo mình… thật mình còn mê hơn họ nữa, nếu họ thật là người mê. Đã vậy, lại còn bực tức, bất bình chỉ vì người ta không chịu hiểu theo mình… tôi tưởng không còn gì ngu si hơn nữa. Mình nói mà người ta không hiểu, biết đâu không phải vì người ta ngu, mà vì là mình ngu, nghĩa là mình không biết cách làm cho người ta hiểu. Cũng như làm thầy dạy học trò, mà học trò không hiểu, đừng vội cho chúng là ngu, mà phải tự trách vì mình không biết cách là cho chúng hiểu.


* * *
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Sat Jan 11, 2014 3:31 pm


Tại sao biết chắc điều mình nghĩ là phải mà của người là quấy? Cái sướng của người trí, kẻ ngu lấy làm bực mình; cái sướng của kẻ ngu, người trí cũng lấy làm bực mình vậy. Phải quấy là một lẽ tương quan, đối với mình cũng như đối với người. Vậy, cãi nhau về điều phải lẽ quấy, thật là một điều khó được ổn thỏa.


* * *


Lại nữa, biết đâu sự hiểu biết của mình, lại không phải chỉ là một sự hiểu biết vụn vằn, chi li như cái biết của người mù rờ voi…

Bốn anh mù hội nhau quan sát con voi. Người thứ nhất rờ đụng cái chân, bèn nói: “Con voi giống như cột trụ”. Người thứ hai mò trúng cái vòi, bèn nói: “Đâu phải, nó giống cái chùy”. Người thứ ba đụng cái bụng, vuốt ve một hồi, rồi nói: “Theo tôi, nó giống cái chum đựng nước”. Người thứ tư lại nắm trúng cái lổ tai: Trật cả. Nó giống như cái nia”. Bốn người cãi nhau om sòm không ai chịu ngã lẽ cả. Ngã lẽ thế nào được chứ? Chính bàn tay mình rờ mó nó, chứ phải là nghe ai nói lại sao mà bảo là mơ ngủ. Làm cách nào bảo cho mình chịu được rằng con voi giống như cái nia trong khi chính tay mình ôm nó đây, thật tròn và dài như cây trụ…

Có người đi qua, dừng lại hỏi, vì đâu có sự cãi lẫy dường ấy. Họ bèn thuật lại những điều họ đã nhận thức đó và cậy người ấy làm trọng tài. Người ấy cười, bảo: “Không có một ai trong bốn anh em là thấy được rõ con voi như thế nào. Nó đâu có giống cây cột nhà, mà chính là chân nó giống như cây cột. Nó đâu có giống cái nia, mà cái tai nó giống cai nia. Nó đâu có giống cái chum đựng nước… mà cái bụng nó giống cái chum đựng nước. Nó cũng đâu có giống cái chùy, mà chính cái vòi nó giống cái chùy. Con voi là chung tất cả những cái ấy: chân, lỗ tai, bụng và vòi”.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Sat Jan 11, 2014 3:32 pm

Sự vật trong đời nó thiên hình vạn trạng, chắc gì mình có thể biết được tất cả phương diện của sự đời, và có biết đâu điều mình biết kia chỉ là một trạng thái của sự vật thôi. Chỉ có những bậc sáng suốt nhất mới dám tự hào là thấy đặng chân tướng sự vật, nhưng mà cũng biết đâu họ chỉ biết được nhiều phương diện hơn mình thôi, chứ không phải là biết được tất cả phương diện. Sự phải biết thì vô cùng, còn sức hiểu biết của mình thì có hạn; lấy cái hữu hạn mà lượng cái vô cùng… thật là khó lòng làm nổi.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Tue Jan 14, 2014 11:15 am

Cãi về con voi của những người mù này, cũng không khác gì cãi nhau về con kỳ nhông cổ tích: một cuộc bàn cãi về cái chuyển của sự vật. Có người kia bảo với bạn nó: “Tôi đứng dưới gốc cây đàng kia, thấy rõ ràng một con thú quái lạ, đỏ như lửa”. Người nọ bảo: “Tôi cũng thấy con thú ấy vậy, nhưng nó xanh lè kia mà!” Một người thứ ba đi ngang qua, nghe vậy, xía vô: “Đâu phải, tôi thấy rõ ràng nó vàng như nghệ vậy”. Rồi thì người đi đường xúm lại nghe, ai cũng bảo chính mình thấy như thế này… như thế khác… Cãi nhau kịch liệt, không ai chịu của ai đúng hơn của mình… Họ vừa tính choảng nhau, thì có một người lạ khác vào can: “Không! Không! Các anh đừng cãi nữa. Chính tôi là người sống dưới cội cây ấy nên tôi nhận rõ sự biến đổi của con thú ấy. Nó là con kỳ nhông, nó đổi sắc luôn luôn. Khi thì đỏ, khi thì vàng, khi thì xanh, khi thì tím. Và riêng tôi, có lúc lại thấy nó không có màu sắc gì cả và giống hệt với cái da cây…”.


* * *
Sự vật ở đời đâu phải luôn luôn như thế này, hay luôn luôn như thế kia đâu. Thảy đều là một sự thay đổi không ngừng. Điều mà mình cho là phải hôm nay, biết đâu ngày mai lại thành một sự quấy. Cái lợi hôm nay, biết đâu sẽ là cái hại của ngày mai.

Một ông lão có con ngựa, một hôm con ngựa tự nhiên đi mất. Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Mất ngựa, nhưng các ông sao biết đó là phúc cho tôi?”

Cách mấy tháng, con ngựa lại trở về, dẫn theo một con ngựa hay nữa. Hàng xóm cũng đến chia mừng. Ông nói: “Được ngựa hay, thế nhưng sao các ông biết đó là họa cho tôi?”

Từ ngày được ngựa hay, con trai ông lão ngày nào cũng thích cưỡi, rủi té, què chân. Hàng xóm đến chia buồn. Ông nói: “Con tôi què, nhưng sao các ông biết đó là phúc cho tôi ?”.

Năm sau có giặc. Nhà vua bắt lính… Thanh niên đi lính, mười người chết đến chín. Con trai ông vì què khỏi đi lính, nên cha con còn hủ hỉ với nhau.


* * *


Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có hai người đệ tử, trước khi trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để coi thầy sẽ phán đoán cách nào. Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người này, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối: “Thưa thầy, bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chớ như đối với bài của anh này, thì con chắc chắn không thể nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai chủ trương của chúng con quả quyết không thể bên nào dung được bên nào: hễ anh ấy phải thì con quấy, mà con phải thì anh ấy quấy”.

Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo: “Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò này nói vầy là tại cái trình độ hiểu biết của nó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo nó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thầy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây hoa nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bảo bài của người này phải, mà bài của kẻ kia quấy!”.

Nếu ở đời, ai cũng biết lấy cái lượng của hiền giả này mà xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế, mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…


______________



Chú thích:
(1) Le moi est haissable
(2) Xem quyển “Thuật Tư Tưởng” cùng một tác giả.
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Fri Jan 24, 2014 10:47 am

CHƯƠNG II


Chữ LỄ của Á Đông


Như ta đã thấy: lòng tự ái là nguồn gốc lớn của muốn sự đắng cay chua xót ở đời. Muốn cho tâm hồn được bình tĩnh, thời không có gì kỵ bằng lòng tự ái. Trong các thị dục, thị dục về lòng tự ái là vô độ hơn cả: trong các khổ não, cái khổ não do lòng tự ái gây ra là khó tránh và thường thống thiết hơn.

“Lòng tự ái đã là cái cừu địch cho sự bình tĩnh bên trong, nó lại cũng là cái cừu địch cho sự yên ổn bên ngoài nữa. Phàm khi lòng tự ái được thỏa mãn là tất có xâm phạm đến bên ngoài…”



* * *


“Lòng tự ái bao giờ cũng chăm chăm đáu đáu chỉ chực có dịp miệt kẻ khác để cho khỏi bị kẻ khác miệt mình, thành ra bao giờ cũng cứ quanh quanh dòm dõ người ta; xem ai có gì xấu phô trương lên, ai có gì tốt thì bài bác đi, để nuôi cái lòng tự đắc của mình”.

Xem đấy đủ rõ câu “ẩn ác dưỡng thiện” của cổ nhân khó thi hành biết chừng nào! Tại sao? Tại lòng tự ái của chúng ta quá nặng, thường tin rằng dìm được người ta là đem được mình lên, chê cái dở của người tức là đem được cái hay của mình ra… Thật không gì vụng về bằng… khiến nên, ở đời, trong sự giao tế hằng ngày, gây cho ta không biết bao nhiêu khốc hại…



* * *
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Quốc Cường Sat Feb 08, 2014 11:32 am

Tóm lại, tất cả mật pháp của thuật xử thế có thể gồm trong hai nguyên tắc quan trọng:
1. Chớ chạm vào lòng tự ái của ai cả.
2. Ẩn ác dưỡng thiện.

Nguyên tắc thứ nhất thuộc về tiêu cực; còn nguyên tắc thứ nhì thuộc về tích cực. Cả hai không phải là những câu châm ngôn chỉ sự khôn dại cho người đời mà thôi, mà thật ra nó là câu nói của lòng Nhân, hay ít ra, của lòng yêu chuộng Công Bình.

Người xưa há không có bảo: “Kỷ sở bất dục, vật ư thi nhân” sao? Cái gì mình không muốn người làm cho mình, thì đừng làm cho kẻ khác. Có ai là người muốn bị người ta chạm đến lòng tự ái của mình không? Thế sao mình lại thích lấn áp người trong lời nói để người ta phải đỏ mặt, tía tai cho cam. “Làm cho người ta cùng lý đến phải ngậm miệng, đỏ mặt, toát mồ hôi, mình tuy hả lòng thật, nhưng đấy là người nông nổi khắt khe làm sao…” (1) Thế là bất công, mà cũng là bất nhân nữa…

Nhưng rồi, hả lòng được một ít mà lắm khi còn di hại cho mình đến thảm khốc cũng không chừng… Thế thì đâu phải chỉ bất công, bất nhân mà lại còn bất trí nữa là khác.

Chữ Lễ của người Á Đông trong đạo xử thế thật có thể bao hàm được cả hai ý nghĩa đã vừa nói ở trên. Lễ, theo Á Đông, chẳng những có ý nghĩa tự tri, tự chủ (2), mà cũng có nghĩa là Nhân nữa. Nếu phải nói tắt một lời, thì tôi nói: tất cả thuật xử thế của người Á Đông đều ở trong một chữ Lễ.

Lễ, là nhún nhường, đem cái bản ngã của mình để sau kẻ khác, đâu phải vì giả dối du mị để mưu lợi cho mình. Lễ là tránh cái đau khổ cho bản ngã kẻ khác bằng cách hy sinh bản ngã của mình. Lễ, là che cái xấu, giấu cái dở và biểu dương cái hay, cái đẹp của người ta. Phải là một người không ích kỷ, diệt dược cái bản ngã của mình rồi mới làm nổi việc ấy, làm một cách thản nhiên, vô tư lợi…

Hiểu được tất cả cái ý nghĩa thâm sâu của chữ Lễ, và học được bấy nhiêu thôi, là đã học được cái mật pháp của thuật xử thế rồi…


Nhất là người trên mà đối với kẻ dưới cần phải cẩn thận nhiều về chữ Lễ, vì kẻ dưới với cái tâm cảm tự ti của họ, khó mà tha thứ những điều sơ suất của ta về lễ độ được. Người trên mà thất lễ với kẻ dưới là một sự thường rất dễ hiểu: kẻ phú quí hay tài hoa hơn kẻ khác thường dễ sinh tự phụ và kiêu khí. Nhưng họ nào có dè, kết quả của sự kiêu căng vô lễ của họ… nó nguy hiểm thâm độc không biết chừng nào…

Philippe, vua nước Macédoine, khi đang đem quân vây thành Méthone, có một tên cung thủ đại tài tên là Aster đến xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng tài nghệ cung tiễn hay lắm, chim bay dầu lẹ đến bậc nào, y bắn cũng không sai bao giờ. Vua ghét đứa khoe mình nên phán rằng: Được, để ta đánh trận với chim sẻ, bấy giờ ta sẽ dùng đến tài ngươi.

Aster nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành bị vây chờ dịp trả thù.

Một hôm Aster đứng trên bờ thành, thấy vua Philippe đang đi kinh lý các trại quân đóng ngoài thành, liền lấy một cây tên, viết vào mấy chữ: “Gởi cho con mắt bên hữu của vua Philippe”, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của vua. Vua sai sứ cầm chiếc tên vào trả lại trong thành giặc, phê lên trên mũi tên rằng: “Ta mà lấy được thành này, Aster sẽ bị xử giảo”. Sau quả y lời.

Vua Philippe, thật đã mua đắt cái cao thú được nói một lời có ý vị. Nhưng mà, Aster lại mua rất đắt cái thú trả được thù. Cái lòng hiềm thù nhiều khi nó ngộ chúng ta mà đưa chúng ta đến chỗ bại. Cái tính châm chích người ta cũng chẳng nguy hiểm kém gì. Đành rằng nói được những câu thâm trầm, khiến cho kẻ khác sợ ta, nhưng chúng sợ ta thì ít mà lòng oán hận lại nhiều. Những lời nhạo báng để lấn áp người, để thỏa được lòng tự ái của mình, khiến cho lòng người bị chạm lấy đau khổ không thể quên được. Thường thường người ta có thể tha thứ cho ta một cái tội ác dễ hơn là tha thứ cho ta một lời nói độc.



* * *
Quốc Cường
Quốc Cường
Thành Viên

Posts : 274
Join date : 07/07/2013

Về Đầu Trang Go down

THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA - Page 2 Empty Re: THUẬT XỬ THẾ CỦA NGƯỜI XƯA

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Trang 2 trong tổng số 2 trang Previous  1, 2

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết