CHÂN TÂM PHẬT TỬ
*** Hân hoan chào đón các bạn đến với CHÂN TÂM PHẬT TỬ!...***



Join the forum, it's quick and easy

CHÂN TÂM PHẬT TỬ
*** Hân hoan chào đón các bạn đến với CHÂN TÂM PHẬT TỬ!...***

CHÂN TÂM PHẬT TỬ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh!

2 posters

Go down

Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh! Empty Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh!

Bài gửi by Thiên Vương Tue May 24, 2016 2:08 am



 Cùng các bạn thân mến!...


 Nhân mùa lễ Phật Đản Sanh, TV xin có vài lời chân tình muốn trao đổi với các bạn như sau:


1/  Hiện nay ở VN đang có 2 nơi đang chịu cảnh thống khổ.  Một là miền Tây đang bị nạn nước biển xâm nhập sâu vào các đồng bằng, sông, rạch...v..v...khiến cho lúa, mía, và các hoa màu khác đang bị chết khô, và cả người dân nghèo cũng đang chết khát vì không có tiền mua nước ngọt mà dùng cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.  

Hiện trạng này bằng mắt thường mà nhìn thì người ta cho rằng do các nước ở đầu nguồn sông Mê Kông như TQ, Thái Lan, Lào, Campuchia...v...v...khai thác triệt để dòng nước, khiến cho đồng bằng sông Cửu Long ở cuối nguồn bị thiếu nước ngọt trầm trọng vì lưu lượng nước sông đổ ra biển giảm đáng kể không đủ sức cản ngăn, khiến cho nước biển xâm nhập sâu vào các kênh mương, sông rạch.  Mà người dân thì dẫn nước từ các kênh mương, sông rạch này để tưới tiêu cho các cây trồng của mình, nay nước bị nhiễm mặn, khiến cho cây trồng chết khô, chết héo.  Héo cả lòng dạ của người trồng...thật là một thảm cảnh vô cùng đáng để xót xa!....

Từ đó mà dư luận tỏ ra bất bình, thù ghét hành động của các nước kể trên.  Vô hình trung khiến cho cả Tâm Điền (ruộng tâm) của người dân cũng bị héo hắt và nhiễm mặn!...Điều này mới thật sự là đáng lo hơn cả!

Vì sao vậy?  TV là người được sinh ra ở miền Trung, mỗi năm các tỉnh miền trung gần như đều bị khô hạn.  Tình trạng nước biển xâm nhập vào các con sông cái xảy ra gần như là thường niên.  Năm nào người dân cũng phải đi kiếm mạch nước ngầm trên núi mà dẫn về sử dụng hoặc tưới tẩm cầm chừng cho cây trồng.  Có năm tình trạng bi đát, chính quyền phải cho xe chở nước tới phân phối cho người dân uống cầm hơi.  Vào những năm 80, đi đường quốc lộ ta sẽ dễ dàng thấy được hàng trăm, hàng ngàn người đi hàng chục cây số để gánh từng đôi nước về cho gia đình sử dụng.  Ở Ninh Thuận thì càng khổ hơn nữa.  Vì thế mà vào mùa khô, người dân nghèo thường đi các xứ khác làm thuê làm mướn.  Ruộng đồng ở đây có biệt danh là Ruộng Một Mùa, vì người ta chỉ có thể trồng trọt vào mùa mưa mà thôi!

Ta thấy ở đồng bằng Sông Cửu Long lâu lâu bị khô cạn một lần như vầy thì ta đổ lỗi do nước này, nước kia.  Ở miền trung thì người ta không có ai để trách, nên đâm ra trách trời, trách đất.  Nhưng nếu chúng ta phải sống ở những nơi sa mạc, nắng gió khô cằn quanh năm thì có lẽ khi ấy ta mới cảm thấy được...dù ở Ninh Thuận đi nữa, cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Chúng ta ở ngay sát biển mà than phiền khô hạn thì thật là ...phí của trời!  Có lẽ nên trách, nên than là trách sao mình ngu dốt, than sao mình không chịu dành thời gian tìm hiểu và học hỏi cách để chế ngự, khắc phục những khó khăn...thì mới tốt hơn!

Ở miền Trung vì bị thường niên, nên người ta dù ngu lâu cũng sáng!  Họ biết trồng cây thích hợp cho mùa khô là cây Điều, biết nuôi con vật thích hợp là Dê, và biết tích trữ nước và dùng thật tiết kiệm để cho qua mùa khô.  Không biết các bạn có còn nhớ không, GĐPTCT chúng ta từng có 1 chuyến đi thăm Chùa Trà Cang ở Phan Rang, do bạn Táo, Nico, Lãng Du, ...v...v...thực hiện, mang vác gạo tặng chùa và người dân tộc thiểu số ở đó.  Sở dĩ chúng ta có chuyến đi ấy, vì đó là nơi TV từng ghé thăm và khuyến khích các bạn đến để giúp đỡ phần nào cho các Sư Cô tu hành trên núi, và dân tộc thiểu số nghèo khó quanh vùng.  Ở đó, các Sư Nam thì ở dưới chân núi, tương đối đầy đủ tiện nghi, có xe máy để đi lại, có đtdđ để liên lạc, và nhất là có hồ lớn chứa nước để dùng.  Trong khi các Sư Nữ thì tu trên núi, thiếu thốn đủ thứ, ngay cả nước uống cũng là điều đáng phải lo.  Vì thế nên các Sư Cô phải sống nhờ vào các giọt sương trên vách đá là chủ yếu.  Trong 1 lần đi cứu trợ nạn lụt ở Cam Ranh, vô tình TV ghé ngang nơi này.  Trước khi đến chùa thì gặp 1 chiếc xe máy phóng với tốc độ đủ cho đất bụi bay mù mịt.  Trên xe là 1 vị tu sĩ nam, chở 1 vị tu sĩ nữ, có lẽ là họ đi chợ về.  Một đỗi sau TV đến chùa tình cờ gặp vị tu sĩ nam ấy hỏi thăm đôi chút về chùa, câu đầu tiên là:

- Xin hỏi phải xưng hô thế nào cho tiện?  Đạo hữu là Tăng hay Cư sĩ?  ...Vì người đó, ngoài cái đầu trọc ra, thì ăn mặt như người Phật tử bình thường?

- Tùy đạo hữu muốn gọi sao cũng được!  Chỉ là danh xưng thôi mà!  Người tu hành chân chánh đâu có màng tới mấy việc nhỏ nhặt như vậy!....Câu trả lời nghe thoát tục quá, khiến cho TV tự nhủ, có lẽ vì thoát tục phi phàm như vậy, nên mới thường "đi mây, về gió" khiến cho mình hít bụi đã đời trước khi tới được cổng chùa này.

 Vì thế nên TV tìm cách xin cáo từ, xin phép được lên núi tham quan.  Và nhờ đó mà hiểu biết thêm về tình cảnh của các Sư Cô trên núi vô cùng khó khăn, và bất công như vậy.  Leo lên mấy hòn đá to thì bụng cũng cồn cào, nhưng nhờ gió núi thổi ào ào nên cũng khiến cho lòng thanh thản.  Chợt thấy 1 hang núi khá to, có kê 1 tấm phản (giường gỗ), trên có mắc 1 cái võng, nhìn quanh quẩn không thấy ai, TV tự tiện ghé vào ngồi nhờ 1 chút.  Đang thả hồn theo mây gió thì 1 vị tu nữ ở đâu xuất hiện, thấy TV liền chào hỏi vài câu rồi như biết mình đang đói bụng mà đi ra nấu cho 1 tô mì gói đơn sơ nhất có thể.  Vậy mà ăn lại thấy rất ngon!  Ngon vì bụng đang đói, ngon vì lòng người tu nữ khả kính quá ư là hào hiệp, dùng chữ hào hiệp vì trong thùng còn đúng 1 gói mà Bà vẫn vui vẻ lấy ra mời khách.  Cho dù chẳng quen biết và chẳng được vị khách phong trần này cúng cho cái gì cả!...

 Ăn xong tô mì, có thêm sức TV trèo lên trên thì thấy 1 cụ bà tầm 7,8 chục tuổi gì đó ngồi kế bên cái am nhỏ, chờ có ai lễ Phật thì gióng chuông cho.  Tự nghĩ mình thân nam mà leo núi còn thấy vất vả, các vị cao niên phái nữ như vầy lại có thể ung dung lên xuống thật là đáng khâm phục.  TV bèn hỏi thăm:

-  Cụ lớn tuổi, yếu đuối vầy, sao không trực chuông ở dưới chân núi, mà leo cao lên đây chi cho vất vả vậy?

-  Ở dưới núi nóng bức quá, nên tôi lên đây cho mát.  Huống chi có ít người lên trên này, nên mình trực chuông trên này mới có nhiều công đức.  Già cả rồi nên sống chết chưa biết khi nào, vì vậy mỗi ngày làm được chút công đức như vầy là tôi mãn nguyện rồi!...

-  Vậy thùng phước này ai thu?

-  Thùng phước ở đây mỗi ngày đều có các sư dưới núi lên lấy tiền hết.  Rồi khi nào mình hết gạo ăn xuống xin thì các sư cho gạo, cho nhang đem lên!...


Thật là ngán ngẩm thay cho sự đời!  Và cũng đáng tiếc thay cho những người tu sĩ ấy!  Thật đúng như Phật ví....Họ như là cái muỗng, cái thìa.  Tuy mỗi ngày đều tiếp xúc với canh, mà không bao giờ cảm nhận được vị của món canh ấy như thế nào cả!....


 Trong túi còn số tiền mang theo để đi cứu trợ, vô duyên không gặp ai để cứu trợ, nên TV biếu bà cụ 1 ít, dặn bỏ túi mà xài, đừng bỏ thùng phước.  Lần bước xuống hang, lại gởi tiếp cho vị tu nữ ít tiền để dành mà mua mì, mua tương, mua dầu...v...v...


 Trên đường về, không biết phải cứu trợ cho ai, nên TV ghé vào trường Phật Học ở bên đường mà hỏi thăm.  Nghĩ rằng họ ở địa phương chắc sẽ biết rõ nên bí quá phải ghé vào.  Đang thắp nhang lễ Phật thì 1 vị ni trẻ tuổi bước tới mời:

-  Đang sẵn bữa trưa, mời đạo hữu dùng bữa cơm thanh đạm!

 Sớm giờ mới lót lòng 1 gói mì, được mời cơm mừng quá, nhưng TV vẫn từ chối.

-  Dạ xin cảm ơn sư cô!  Các sư cô cứ tự nhiên dùng bữa đừng để ý tới tôi làm gì.  Tôi xin phép được chờ ngoài Phật đường cũng được!

 Nhưng tuy ở xứ khô cằn, lòng người vẫn luôn mát mẻ, vị tu nữ vẫn khẩn khoản mời cho bằng được mới thôi.  Ghé vào trai đường thấy có khoảng cả trăm vị tu nữ đang dùng cơm.  Ngó vào thì thấy chỉ có chén canh và dĩa xoài băm gì đó, vốn là món đặc sản rẻ tiền của vùng đất Cam Ranh.

 Tuy vậy TV vẫn ăn 2 chén thật lòng, không chút khách sáo.  Sư cô bất ngờ thấy mình ngon miệng trước những món ăn sơ sài như vậy, nên TV phân trần:

- Tưởng là chùa đãi món cao sang thì còn e dè, chứ được bữa cơm thanh đạm như vầy thì ăn bao nhiêu cũng không sợ nặng bụng!  Nên mới ăn ngon lành như thế!


 Vài câu trò chuyện đơn giản vậy, nhưng như có chất keo hút dính lòng người, khiến cho TV đã bao năm rồi vẫn còn nhớ mãi!...Hỏi thăm sao bữa ăn sơ sài vậy, cả 1 miếng đậu hũ cũng không có, cá 1 hạt tương cũng không có, mà cả 1 miếng chao cũng không có nốt như vậy?...

 Sư cô phân bày, các tu sinh ở đây tính cả nam và nữa có khoảng 300 người.  Tất cả đều nhờ vào thùng phước ở ngoài và đôi khi được sự hỗ trợ cứu đói của chùa tỉnh hội gì đó.  Tính ra mỗi đầu người chỉ có khoảng 200 đồng cho tiền ăn (chắc khoảng 2000 đồng bây giờ), vì vậy chủ yếu là mua gạo, còn lại đồ ăn thì khi nào khá thì mua miếng đậu, mua hũ chao, mua tương hột mà ăn, còn bình thường thì cây nhà lá vườn ăn qua loa cho qua bữa mà thôi.  Mục đích chính là ở đây để tu học nên phải ráng chịu khó vậy.

 Nghe mà xao động trong lòng, TV liền cho biết mục đích mình tới đây là muốn đi cứu giúp dân bị lũ lụt.  Nhưng từ sáng tới giờ chưa thấy ai để giúp, mà chỉ mới giúp được các vị tu nữ ở chùa Trà Cang, nên còn lại số tiền này, xin chia làm 2, 1 phần nhờ mấy cô giúp cho những người nghèo bị thiên tai ở địa phương, phần còn lại xin gởi cho nhà bếp có thêm chút tiền mà mua thêm chút gì đó cải thiện bữa ăn.

 Sư cô biết mình từ xa tới, nên không dám nhận hết, kêu giữ lại 1 phần để dành đi đường lỡ có chuyện gì thì có tiền xoay sở.  Nhưng TV vẫn quyết định gởi hết không giữ lại đồng nào.  Vì tự nhũ, dù có gì đi nữa mình vẫn có thể đi bộ về được, nhưng có thể giúp họ thêm chút tiền mua thức ăn thì rất đáng hoan hỷ!...Lại chán ngán thay cho cảnh đời người ăn không hết, kẻ lần không ra mà dù áp dụng cho kẻ xuất gia vẫn không mảy may sai chạy tí nào!  Và cũng đáng tiếc thay cho các tu sinh ấy bỏ biết bao tâm huyết để tu học mà có lẽ họ chỉ học được những bài giảng từ kinh sách của Bắc Tông Đại Thừa, vì lẽ đó mà tốt nghiệp xong họ vẫn cứ thừa theo phong trào, thừa theo xã hội, thừa theo bổn tôn mà thực hành những điều xa rời với các lời dạy của đức Thế Tôn Sakya Muni!...

 Hôm nào có dịp, lại nhờ các bạn thực hiện thêm 1 chuyến về 2 nơi ấy mà tìm hiểu xem đời sống của những người tu ở đây bây giờ ra sao nhé!  Nhớ nhé bạn Táo, bạn Tuệ Quang, bạn Lãng Du Thế Giới Ta Bà....!


 Xin lỗi các bạn vì TV đã liên tưởng tới quá khứ mà lan man 1 cách vô duyên như vậy nhé! :-)


Trở lại vấn đề, hiện tại vùng đồng bằng SCL đang bị nhiễm mặn, cây cỏ chết khô, người nghèo thống khổ.

Điểm thứ 2 mà TV muốn nói mà có lẽ ai cũng biết là các tỉnh miền Trung đang bị thống khổ vì biển chết, cá chết, và có lẽ các ngư dân nghèo cũng đang dần chết!...

Cũng như trên, và như là tập quán quen thuộc của dân tộc VN ta, mà có chuyện là kiếm người mà trách.  Nên ở đây, người dân đang hướng mũi dùi về tập đoàn Formosa và chính phủ.  Vì họ cho đó là do 1 kẻ thì bất lương, 1 người thì tắc trách!


 Xét theo con mắt người Phật tử, thì trước tiên ta phải dùng từ bi và trí huệ mà quán chiếu.  Người học Phật mỗi ngày đều sáng tối 2 lần đọc kinh rải tâm từ đến với chúng sanh muôn loài.  Đến những bậc hữu ân như cha mẹ, thầy tổ, cho tới cả những kẻ nghịch duyên oan trái với ta.  Đến cả chư thiên cao tột, cho lẫn những sinh linh bé nhỏ như các loài giun dế...v...v....Như vậy thì làm sao trong tâm ta còn khởi ý bất bình hay oán trách gì ai cho được nữa!...

 Nếu tâm ta còn có sự bất bình, còn có ý oán trách, thì nên tự trách ta chỉ tu học mà chẳng thật hành.  Vì vậy mà không điều phục được bản thể chân tâm của mình.  Khiến cho nó vẫn còn những căn bệnh cố hữu di căn từ ngàn đời là Tham, Sân, Si....mà sanh ra bất bình, oán trách kẻ khác!  

 Ta trách người, chưa thấy người khổ đâu, mà chỉ thấy mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi tháng ta đang bị bất an, ăn mất ngon, ngủ chẳng yên....Thật như lời hiệu triệu của Trần Hưng Đạo ngày nào...

" Ta thường tới bữa quên ăn , nửa đêm vỗ gối , ruột đau như cắt , nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng vui lòng."

HỊCH TƯỚNG SĨ (nguyên tác: Dụ Chư Tỳ Tướng Hịch Văn)


...Thật là lời lẽ của người bị bệnh Sân Si bộc phát vô cùng đáng sợ, phải không các bạn!  Họ như loài Asura, hay như loài dã thú, lúc nào cũng đôi mắt đỏ lừ, chỉ mong muốn được ăn gan, uống máu kẻ khác!...


Chúng ta thường cho rằng từ lúc sinh tới lúc tử là 1 đời, hết đời này sang đời khác là luân hồi, chuyển kiếp....Nhận định đó thật không sai đối với người thường.  Nhưng với người tu theo Phật dạy thì không còn đúng nữa.  Mà thật sự thì chúng ta đang bị luân hồi trôi lăn trong từng sát-na, từng hơi thở của mình kia.


Giây phút nào ta mãn nguyện, hoan hỷ, đẹp lòng, hân hoan với kẻ khác thì giây phút ấy ta được sanh Thiên.  Người cõi trời bao giờ cũng đẹp, không phải vì họ có phước, mà đơn giản vì họ ...luôn nở nụ cười!   Bạn hãy thử đi sẽ thấy rằng người xấu đến đâu khi nở nụ cười đều cũng đẹp.  Bằng ngược lại kẻ đẹp cỡ nào, mặt nhăn nhó thì cũng xấu cả!...

Giây phút nào ta bức bối trong lòng, sân si, phẫn nộ....là giây phút ấy ta đọa sanh ở cõi Asura.  Cõi này chúng Asura dường như ai cũng có mặt mày đầy nanh vuốt.  Bởi vì họ chỉ mong được ăn tươi, nuốt sống kẻ khác mới thỏa lòng.  Thật bất hạnh cho ai để tâm mình sân si, phẫn nộ như vậy, bởi vì người đó vì sân si, phẫn nộ, mà sẽ mau già, mau xấu, và luôn bất an, luôn bất bình với tất cả mọi người xung quanh, kể cả bản thân của họ họ cũng chẳng vừa lòng....

Giây phút nào ta tham lam, thèm khát muốn có những gì của kẻ khác, là giây phút ấy ta bị đọa sanh nơi cõi Ngạ Quỷ.  Ngạ Quỷ là từ Hán Việt dùng để chỉ loài ma đói.  Ở loài này các chúng ngạ quỷ luôn bị đói khát hành hạ.  Cho dù ăn uống bao nhiêu cũng chẳng vừa lòng.  Bởi vì thật sự họ đói khát cái tâm, chứ không phải đói khát cái bụng.  Những người lâm vào cảnh này cũng vô cùng bất hạnh như loài ngạ quỷ ấy.  Không cần biết họ giàu có cỡ nào, lúc nào họ cũng cảm thấy chưa thỏa mãn, luôn tìm cách chiếm đoạt đất đai, tiền bạc, tài sản, và cả sức lực của kẻ khác.  Có 1 thì muốn được 10, có 10 thì lại muốn 100, có 100 thì lại muốn 1000.  Tâm tánh như vậy nên dù họ đang là đại gia, họ vẫn cảm thấy vô cùng khổ sở, thiếu thốn, không trích ra được 1 đồng để cho kẻ khác.  Tự biện minh lý do này nọ để khỏa lấp cái tâm lượng hẹp hòi, ích kỷ, đói khát của mình.  Họ sẵn sàng ngồi chờ vài ba tiếng để có được một món lợi nào đó, dù chỉ nhỏ nhoi như món hàng khuyến mãi, hay mua được cái bánh của tiệm bánh nổi tiếng mới mở.   Nhưng đang đi trên đường gặp người bất hạnh té ngã, họ không trích được 1 phút, 1 giây nào để giúp đỡ người ta, hay thậm chí cầu mong cho người ta được tai qua, nạn khỏi....Cũng như loài ma luôn sợ ánh sáng, những người tham lam, lúc nào cũng sợ sự thật.  Bất kể kẻ đó là 1 viên chức hải quan, 1 viên chức CSGT, 1 viên chức văn phòng tư pháp, ...v..v...lúc nào họ cũng láo liên, dè chừng như kẻ trộm.  Họ thừa biết việc làm của họ là xấu, ác, sai lầm....nhưng vì không chế ngự được tâm mình nên để cho tánh Tham dẫn dắt mà chấp nhận làm nô lệ cho nó.  Vì thế mà bị bất an, bị đau khổ....

................................

Tương tự như vậy mà suy cho những cõi còn lại.  Trong 6 cửa chỉ có cửa Trời và Người là ổn.  Nếu tâm ta xấu ác theo Tham Sân Si, thì đi 4 cửa Asura, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục.  Nếu ta tốt lành thường tùy hỷ, vui thích giúp người, tạo nhiều thiện sự thì ta đi cửa Thiên, sống cuộc sống an vui, lợi lạc như tiên trên trời.  Còn như không tốt, cũng không xấu thì đó là khi ta đang ở cảnh Người.  Đối với bậc Arahan giải thoát thì họ thoát ly được cả 3 trường hợp này.  Không Tốt, Không Xấu, cũng Không Không Tốt và Không Xấu.  Vì tâm của họ đã thật sự ly khai với thế gian, nên họ được thật sự giải thoát, tịch tịnh.


Trong văn chương của ta có thuật ngữ "Tắt Lửa Lòng", đó là ảm chỉ sự thanh thản, nhẹ nhàng của kẻ thoát khỏi bệnh tương tư.  Thì thuật ngữ Phật dùng Niết-bàn (nibbāna) nguyên nghĩa là ...làm tắt đi ngọn lửa.

Ta tắt được lửa lòng đối với 1 người nào đó, thì ta có sự thanh thản, nhẹ nhàng vô cùng.  Theo đó, ta có thể hình dung được 1 vị Arahan đã làm tắt được lửa lòng đối với tất cả vạn vật, vạn sự của thế gian này thì thanh thản, nhẹ nhàng, an nhiên tự tại ra sao!...


Từ đó mà cố gắng, cố gắng các bạn nhé!....


Bài dài mà hết giờ rồi, nên TV tạm dừng nơi đây.  Cầu chúc cho các bạn đang có tâm trạng bất an, đang còn bị luân hồi trong các cảnh khổ liên tục trong từng phút từng giây....xem bài này xong, sớm hiểu được vấn đề mà mau mau dập tắt đi những ngọn lửa sân, si của mình.  Hãy đi theo ngọn đuốc trí tuệ mà đức Bổn Sư của chúng ta đã thắp sáng trong hiện thế này!   Đó là việc làm của người Phật tử cần làm, và đó mới là nhân duyên để cho Phật Tâm của chúng ta được Đản Sanh nơi mỗi chúng ta!

Chúc tất cả luôn được an lạc!


...Thân mến,
-Thiên Vương-


Thiên Vương
Thành Viên

Posts : 277
Join date : 29/06/2013

Về Đầu Trang Go down

Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh! Empty Re: Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh!

Bài gửi by Táo Ngọt Sat May 28, 2016 9:01 pm

Dạ vâng thưa Thầy, Thầy nhắc đến Chùa Trà Cang mà nhớ cái hồi lặn lội ra đó cách đây chừng 5-6 chớ mấy Very Happy . Hồi đó tới giờ TN vẫn nhớ lời Thầy nói "tu ở đó mới đúng là tu"... nhưng TN vẫn nhớ các Sư cô ở đó an lạc lắm . Ngôi chùa nhỏ bé nằm trên núi, ngày đó TN cùng các bạn đi bộ thôi cũng thấy vã mồ hôi rồi. TN nhớ không lầm thì hồi đó trên chùa có 3 sư cô đấy ạ, hôm lên các Sư cô rất mừng, cơm đãi khách chỉ là cơm trắng với rau luộc chấm chao thì phải....TN nhớ mang máng là đơn sơ lắm nhưng ai cũng ăn rất ngon lành. TN để bàn với TQ hè này sẽ ra ngoài nớ một chuyến.
Đúng là xã hội VN năm nay xảy ra nhiều hiện tượng mang nhiều lo ngại, thực tế thì nó là ngọn lửa bùng phát trong hố tro âm ỉ bấy lâu nay... vâng sẽ cố an nhiên như lời Thầy dặn Smile sẽ tích cực bòn phước tu tâm để tìm thấy sự an lạc trong từng giây phút hiện tại mà thôi!

Kính,

Táo Ngọt
Táo Ngọt
Táo Ngọt
Thủ Quỹ - Treasurer
Thủ Quỹ - Treasurer

Posts : 252
Join date : 01/07/2013

Về Đầu Trang Go down

Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh! Empty Re: Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh!

Bài gửi by Thiên Vương Sun May 29, 2016 1:20 am

Táo Ngọt đã viết:Dạ vâng thưa Thầy, Thầy nhắc đến Chùa Trà Cang mà nhớ cái hồi lặn lội ra đó cách đây chừng 5-6 chớ mấy Very Happy  . Hồi đó tới giờ TN vẫn nhớ lời Thầy nói "tu ở đó mới đúng là tu"... nhưng TN vẫn nhớ các Sư cô ở đó an lạc lắm . Ngôi chùa nhỏ bé nằm trên núi, ngày đó TN cùng các bạn đi bộ thôi cũng thấy vã mồ hôi rồi. TN nhớ không lầm thì hồi đó trên chùa có 3 sư cô đấy ạ, hôm lên các Sư cô rất mừng, cơm đãi khách chỉ là cơm trắng với rau luộc chấm chao thì phải....TN nhớ mang máng là đơn sơ lắm nhưng ai cũng ăn rất ngon lành. TN để bàn với TQ hè này sẽ ra ngoài nớ một chuyến.
Đúng là xã hội VN năm nay xảy ra nhiều hiện tượng mang nhiều lo ngại, thực tế thì nó là ngọn lửa bùng phát trong hố tro âm ỉ bấy lâu nay... vâng sẽ cố an nhiên như lời Thầy dặn Smile  sẽ tích cực bòn phước tu tâm để tìm thấy sự an lạc trong từng giây phút hiện tại mà thôi!

Kính,

Táo Ngọt  


 Thời thế bất ổn, lòng người bất an, là chuyện thường tình xảy ra mỗi giờ, mỗi phút trên quả địa cầu này, chứ không phải chỉ bây giờ mới bùng phát.  Chỉ có điều vì chúng ta thường có sự phân biệt xa gần, thân sơ, trong ngã chấp, nên cái gì thuộc về mình, gần gũi với mình thì mình lo, còn những gì xa xôi, sóng thần, động đất ở cái xứ cờ ho nào đó thì ta thường...mặc kệ, không mảy may quan tâm, để ý tới làm gì cho mệt.

 Là người học Phật, ta hãy nhớ 6 chữ Phật dạy mà TV đã từng giới thiệu là " Vô Thường-Khổ Não-Vô Ngã"...mà lấy ra để chiêm nghiệm mà áp dụng, thì mọi sự bất an, bất ổn, bất công, bất bình...v...v....sẽ không còn nữa!...

 Dù sống trong thời đại nào thì cũng đừng quên rằng....Chúng ta là 1 thực thể của thiên nhiên!...Vì thế mà dù ta muốn hay không, vẫn bị các định luật của thiên nhiên chi phối.  Từ đó mà lúc nào cũng tồn tại Sanh, Lão, Bệnh, Tử; ở đâu cũng có Ái Biệt Ly, Cầu Bất Đắc, Oán Tăng Hội...

 Hiểu được như vậy thì ta mới biết việc gì ở đời phải xảy ra thì nó sẽ xảy ra, không việc gì mà phải lo lắng cả!

 Chiến Trang và Hòa Bình là 2 khái niệm của Thiện và Ác, của Tốt và Xấu, của Khổ và Lạc, của Âm và Dương, của Sáng và Tối, của Nóng và Lạnh....v...v....Vậy khi bạn lạnh thì không nên ngồi đó mà rên, thay vào đó hãy đi kiếm củi mà đốt lên sưởi cho đỡ lạnh.  Khi bạn thấy tối tăm thì đừng nên ngồi đó mà sợ, mà thay vào đó hãy kiếm cách mà thắp sáng cho mình....

Ánh sáng không phải là từ bên ngoài rọi vào, mà ánh sáng thật sự thì phải từ bên trong tỏa ra.  Vì sao vậy?  Vì ánh sáng bên ngoài như lửa, như nắng, như đèn....v...v....thì đều phụ thuộc vào ngoại cảnh, ngoại lực, là những gì mà ta không bao giờ có thể điều khiển được.  Như lửa kia, hết củi, hết nến thì sẽ tắt; như nắng mặt trời, hết ngày thì cũng tàn dần (đối với riêng nơi ở của ta), như ánh đèn kia, hết điện thì cũng sẽ phụt tắt....

Vì vậy nếu ta dựa vào những ánh sáng đó mà sống thì lẽ tất yếu khi ánh sáng không còn thì cuộc đời ta sẽ bị bóng tối bao trùm.  Thế nên Phật dạy "attadīpā viharatha attasaraṇā anaññasaraṇā, dhammadīpā dhammasaraṇā anaññasaraṇā."

Nghĩa là:  

Hãy tự mình làm hòn đảo, rồi an trú vào hòn đảo đó (an trú, nương tựa, quy y...vào chính mình); đừng nương tựa vào kẻ khác.

Hãy lấy giáo pháp làm ngọn đèn, rồi quy hướng theo giáo pháp; đừng chạy theo nẻo khác.

Đại ý Phật muốn dạy là....

Sống thì an trú chính mình
Hãy như hòn đảo chình ình giữa sông
Mặc cho gió thổi tây, đông
Mặc cho nước chảy ...lòng không chuyển dời!

Tu thì theo pháp suốt đời
Nương tựa vào đấy, những lời Phật răn.
Được vậy mới hết băn khoăn
Tối ngày bận rộn, lăng nhăng đủ điều!...
...............................................................................................................



Lấy pháp Phật mà khai Tâm Chúc
Thắp cho ra Hạnh Phúc ở đời
Tự mình làm đảo ngoài khơi
Lòng luôn phòng hộ, thảnh thơi, nhẹ nhàng!...


Vài lời chân thành gởi đến các bạn!

...Thân mến,
-Thiên Vương-

Thiên Vương
Thành Viên

Posts : 277
Join date : 29/06/2013

Về Đầu Trang Go down

Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh! Empty Re: Vài lời chia sẻ trong mùa Phật Đản Sanh!

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết