CHÂN TÂM PHẬT TỬ
*** Hân hoan chào đón các bạn đến với CHÂN TÂM PHẬT TỬ!...***



Join the forum, it's quick and easy

CHÂN TÂM PHẬT TỬ
*** Hân hoan chào đón các bạn đến với CHÂN TÂM PHẬT TỬ!...***

CHÂN TÂM PHẬT TỬ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tờ Khai Tịnh Đạo – Tuyên Ngôn Thành Lập Đạo Cao Đài

Go down

 Tờ Khai Tịnh Đạo – Tuyên Ngôn Thành Lập Đạo Cao Đài Empty Tờ Khai Tịnh Đạo – Tuyên Ngôn Thành Lập Đạo Cao Đài

Bài gửi by byphuong Mon Mar 24, 2014 10:46 am

Trong lịch sử đạo Cao đài có một sự kiện đặc biệt quan trọng là tờ Khai tịch đạo do những vị chức sắc tiền khai của đạo Cao đài soạn ra gửi chính quyền Pháp. Đây được coi như bản tuyên ngôn thành lập đạo Cao đài. Vào năm 1926, miền đất Nam kỳ là thuộc địa của chính quyền Pháp. Tình hình chính trị, văn hoá xã hội lúc bấy giờ có nhiều biến động. Các cuộc cách mạng bằng vũ trang đều bị chính quyền Pháp đàn áp. Các nhà cách mạng, nhân sỹ yêu nước chuyển sang phương thức hoạt động khác như: tuyên truyền, vận động lực lượng quần chúng nhân dân là công nhân, học sinh, trí thức… tham gia bãi công biểu tình. Cùng lúc này, nhiều đảng phái có tư tưởng chống Pháp ra đời như Công hội, Hội kín Nguyễn An Ninh…

Lúc này, các đàn phổ độ của đạo Cao đài thiết lập được ở nhiều nơi, thu hút đông đảo tín đồ. Chính quyền Pháp tỏ thái độ quan ngại vì phần đông tín đồ Cao đài là giới trí thức, công chức cao cấp của nhà nước, có trình độ học vấn, uy tín trong xã hội như Lê Văn Trung, cựu Thượng Nghị viện Đông Dương; Nguyễn Ngọc Tương, Tri phủ, chủ quận Cần Giuộc; Lê Bá Trang, Đốc Phủ sứ Chợ Lớn; Vương Quan Kỳ, Tri phủ, Sở Thuế Thân Sài Gòn; Lâm Ngọc Thanh, nghiệp chủ Vũng Liêm; Ngô Tường Vân, Thông phán Sở Tạo Tác Sài Gòn; Đoàn Văn Bản, Đốc học Trường Cầu Kho, Sài Gòn; Cao Quỳnh Cư, Thư ký Sở Hoả xa Sài Gòn; Phạm Công Tắc, Thơ ký Sở Thương Chánh Sài Gòn… Sở Mật thám Pháp bấy giờ đã cho người trà trộn vào làm tín đồ hầu đàn để nắm tình hình báo cáo với chính quyền đô hộ.

Trước tình hình đó, các vị chức sắc tiền khai đạo Cao đài khá lo lắng vì nền đạo mới khởi sự. Toàn đạo đang lo tổ chức Đại lễ Khai minh Đại đạo nên các vị chức sắc đã thảo luận, bàn tính. Vì pháp luật chính quyền Pháp không cấm hoạt động tôn giáo chỉ cấm hoạt động “Hội kín”, mặt khác để chuẩn bị cho Đại lễ Khai minh Đại đạo được chu toàn nên nhất thiết phải thông báo cho chính quyền Pháp biết. Ông Đầu sư Lê Văn Trung lấy ý kiến mọi người cùng nhất trí đăng ký hoạt động truyền đạo, công khai nền đạo Cao đài với chính quyền Pháp.

Ngày 29/9/1926 (23/8/Bính Dần), tại nhà ông Nguyễn Văn Tường ở Sài Gòn, hơn hai trăm chức sắc, tín đồ đến dự họp bàn về việc lập bản Khai tịch đạo. Chủ trì cuộc họp gồm ba vị: Lê Văn Trung, Lê Văn Lịch, Cao Quỳnh Cư. Văn bản Khai tịch đạo được đọc lên cho mọi người nghe và góp ý. Cuối cùng, cuộc họp thống nhất nội dung bản Khai tịch đạo gửi cho Thống đốc Nam kỳ. Nội dung bản Khai tịnh đạo được viết bằng tiếng Pháp, dịch ra Việt ngữ, cụ thể như sau:

“Sài Gòn, ngày 7 tháng 10 năm 1926

Kính cùng Quan Thống đốc Nam kỳ, Sài Gòn,

Chúng tôi đồng ký tên dưới đây, kính cho Quan lớn rõ:

Vốn từ trước, tại cõi Đông Pháp có ba nền tôn giáo là: Thích Giáo, Lão Giáo và Khổng
Giáo. Tiên nhơn chúng tôi sùng bái cả ba đạo ấy, lại nhờ do theo tôn chỉ quý báu của các Chưởng giáo truyền lại mới được an cư lạc nghiệp. Trong sử còn ghi câu” Gia vô bế hộ, lộ bất thập di”, chỉ nghĩa là con người thủa ấy an nhàn cho đến ban đêm ngủ không đóng cửa nhà, còn ngoài đường thấy của rơi không ai thèm lượm.

Nhưng buồn thay cho đời thái bình phải mất vì mấy duyên cớ sau này:

1. Những người tu hành đều phân chia ra nhiều phe, nhiều phái mà kích bác lẫn nhau, chớ tôn chỉ của Tam giáo đều như một là làm lành lánh dữ và kính thờ Đấng Tạo hoá.

2. Lại canh cải mối chánh truyền của các đạo ấy làm cho thất chơn truyền.

3. Những dư luận phản đối nhau về tôn giáo mà ta thấy hằng ngày cũng tại bả vinh hoa và lòng tham lam của nhơn loại mà ra. Nên chi người Annam bây giờ đều bỏ hết những tục lệ tận thiện, tận mỹ ngày xưa.

Thấy tình thế như vậy mà đau lòng, cho nên nhiều người Annam vì căn bổn, vì tôn giáo, đã tìm phương thế hiệp Tam giáo lại làm một (quy nguyên phục nhứt) gọi là đạo Cao đài hay là Đại đạo.

May mắn thay cho chúng sanh, Thiên tùng nhơn nguyện, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hằng giáng đàn dạy đạo và hiệp Tam giáo lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ tại cõi Nam này. Tam Kỳ Phổ Độ nghĩa là Đại Ân Xá lần thứ ba. Những lời của Đức Ngọc Hoàng Thượng đế giáng cơ dạy chúng tôi đều cốt để truyền bá tôn chỉ Tôn giáo.

Đạo Cao đài dạy cho biết:

1. Luân lý cao thượng của Khổng Phu Tử.

2. Đạo đức của Phật Giáo và Tiên Giáo là làm lành, lánh dữ, thương yêu nhơn loại, cư xử thuận hoà mà lánh cuộc loạn ly giặc giã.

Chúng tôi gởi theo đây cho Quan lớn nghiêm xét:

1. Một bổn sao lục Thánh ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

2. Một bổn phiên dịch Thánh kinh.

Chủ ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc hoà bình như buổi trước. Được như vậy, chúng sanh sẽ thấy đặng thời kỳ mới mở, cực kỳ hạnh phúc không thể nào tả ra đặng.

Chúng tôi thay mặt cho nhiều người Annam mà đã nhìn nhận sở hành của chúng tôi, và đã ký tên vào tờ đạo tịch ghim theo đây, đến khai cho Quan lớn biết rằng kể từ ngày nay, chúng tôi đi phổ thông Đại Đạo khắp cả hoàn cầu.

Chúng tôi xin Quan lớn công nhận Tờ Khai đạo của chúng tôi”.

(Ký tên vào tờ Khai đạo gồm 28 vị chức sắc).

Mỗi tôn giáo khi ra đời cần có các điều kiện về tổ chức, con người, cơ sở thờ tự, giáo lý, giáo luật, tôn chỉ, mục đích tu hành phù hợp với văn hoá đạo đức của xã hội được quần chúng nhân dân chấp nhận và chính quyền thừa nhận về mặt pháp lý. Bản Khai tịch đạo là một bằng chứng cho cách ứng xử của các vị chức sắc đạo Cao đài trước áp lực của chính quyền đô hộ. Để đảm bảo cho nền đạo được công khai, có cơ sở pháp lý với chính quyền không bị nghi kị là “Hội kín” hoặc hoạt động chính trị mà chỉ thuần tuý hoạt động tôn giáo, các vị chức sắc đã chọn lựa phương pháp khéo léo không phải bản xin phép với chính quyền mà như một văn bản vừa thông báo công khai đăng ký hoạt động vừa tuyên ngôn chính thức thành lập đạo Cao đài ở Việt Nam.

Xét về mặt hành chính thì bản Khai tịch đạo không đúng qui định của chính quyền đô hộ lúc bấy giờ, bởi theo một số điều Luật thành lập các Hiệp hội (năm 1867) và Luật về tổ chức các đoàn thể (năm 1901) của chính quyền Pháp được áp dụng tại Nam kỳ thì người xin phép hoạt động đoàn thể, hiệp hội phải nộp bản Điều lệ hay Nội qui cùng các văn kiện khác. Kèm theo tờ Khai tịch đạo chỉ có một bản sao lục Thánh Ngôn và một bản dịch Kinh Cầu nguyện ra tiếng Pháp. Văn bản này đã được ông Lê Văn Trung, cựu Thượng Nghị viện Đông Dương trao tận tay Thống đốc Nam kỳ Le Fol.

Trong nội dung tờ Khai tịch đạo, các vị chức sắc thể hiện giọng điệu khảng khái, kiên quyết đặc trưng của cá tính người Nam kỳ: “kể từ ngày nay, chúng tôi đi phổ thông Đại đạo khắp cả hoàn cầu”, đôi chỗ lại nhẹ nhàng thuyết phục “Chủ ý của chúng tôi là muốn làm sao cho nhơn loại được cộng hưởng cuộc hoà bình như buổi trước”. Ngôn ngữ khúc triết, cô đọng, truyền tải nội dung ngắn gọn, ý nghĩa sâu sắc và rất trí tuệ để chính quyền Pháp thấy rõ đạo Cao đài ra đời với mục đích là qui Tam giáo thành một là Đại đạo, nhằm giúp chúng sanh thoát khỏi cuộc sống khổ đau, xây dựng xã hội hoà bình, thương yêu, hạnh phúc. Qua đó, các vị chức sắc thông báo đến chính quyền biết để công nhận Tờ khai đạo, chứ không phải xin phép chính quyền công nhận đạo Cao Đài. Hiếm có trường hợp một tổ chức tôn giáo ra đời lại “xin phép” chính quyền bằng một hình thức văn bản độc đáo mà hiệu quả như vậy.

Với lý lẽ thông minh của tờ Khai tịch đạo nên phía chính quyền Pháp khi nhận tờ Khai tịch đạo không thể hiện thái độ đồng tình hay cấm đoán đối với đạo Cao đài. Tuy nhiên, Thống đốc Nam kỳ Le Fol có mật điện gửi các địa phương phải bí mật theo dõi sự truyền bá đạo Cao đài và thông báo về dinh Thống đốc bằng văn bản. Sự “im lặng” của chính quyền Pháp, có thể được người tín đồ đạo Cao đài hiểu rằng đó là sự ngầm đồng ý hoặc mặc nhiên để đạo Cao Đài hoạt động hợp pháp.

Hiểu được thái độ của chính quyền Pháp như vậy nên ngay sau đó, các vị chức sắc lập tờ “Phổ cáo chúng sanh” gửi đi các nơi thông báo cho toàn đạo đồng thời thông tin cho chính quyền địa phương biết rằng Đạo Cao Đài đã được “Quan Nguyên soái Nam kỳ hoan nghinh và khen rằng vì chữ thiện mà khuyến dân, ấy là chủ nghĩa cao thượng”. Từ đây, đạo Cao đài nhanh chóng trở thành một hiện tượng tôn giáo thế kỷ 20, thu hút đông đảo tín đồ tham gia, có lúc chiếm tới 1/8 dân số Nam kỳ và đến nay có hơn hai triệu tín đồ với hàng ngàn cơ sở thờ tự, hoạt động ở 36 tỉnh, thành phố.

Có thể nói, tờ Khai tịch đạo như bản Tuyên ngôn khai đạo chính thức của đạo Cao đài. Sau này có rất nhiều nhà nghiên cứu đánh giá, nhận xét bản Khai tịch đạo không phải là đơn xin phép mà là lời tuyên ngôn, tuyên bố, tuyên cáo thành lập đạo Cao đài, đồng thời là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng giúp đạo Cao đài làm Đại lễ Khai minh Đại đạo thành công. Ngày nay, đạo Cao đài tổ chức kỷ niệm ngày khai đạo vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm, từ sự kiện tổ chức Đại lễ Khai minh Đại đạo tại Từ Lâm Tự, Gò Kén, Tây Ninh (ngày 19/11/1926, tức 15/10/ Bính Dần). Tuy nhiên, để tưởng nhớ và ghi công các vị chức sắc có công khai đạo với chính quyền làm cơ sở pháp lý thành lập nền Đại đạo, hàng năm vào ngày 23/8 Âm lịch, đông đảo chức sắc, tín đồ đạo Cao đài vẫn tổ chức kỷ niệm ngày Khai tịch đạo tại Nam Thành thánh thất, thành phố Sài Gòn./.

Minh Thiện

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch sử Đạo Cao Đài (quyển 1) Khai đạo từ khởi nguyên đến khai minh của Cơ quan Phổ thông Giáo lý Đại đạo, NXB Tôn giáo năm 2005;

2. Đại đạo căn nguyên của Bảo pháp Nguyễn Trung Hậu;

3. Tiểu sử Đức Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhựt.
ST!
byphuong
byphuong
Thành Viên

Posts : 219
Join date : 14/07/2013

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết